Có 2 loại động lực chính thúc đẩy chúng ta trong mỗi hành động.
HAI DẠNG ĐỘNG LỰC CỦA TÂM LÝ HỌC
Động lực không phải là một cụm từ xa lạ trong đời sống thường ngày. Sẽ không khó để bạn bắt gặp những lần ai đó nói rằng họ đang mất động lực. Chính bản thân bạn cũng sẽ có lúc cảm thấy có những khoảnh khắc tương tự. Tuy nhiên, với tâm lý học, con người không thể nào sống mà không có động lực, chỉ là bạn đang sử dụng loại động lực nào mà thôi!
NỘI LỰC (INTRINSIC MOTIVATION)
Nội lực (intrinsic motivation) là loại động lực sinh ra từ những nhu cầu và khao khát bên trong. Nó có thể xuất phát từ đam mê, từ sự yêu thích riêng biệt của mỗi cá nhân. Nội lực thường xuất hiện nhiều nhất khi bạn đang được làm công việc mà bản thân yêu thích. Loại động lực này thường được coi là mạnh mẽ nhất.
NGOẠI LỰC (EXTRINSIC MOTIVATION)
Ngoại lực (extrinsic motivation) trái ngược với nội lực. Nó sẽ xuất hiện khi có tác nhân bên ngoài đưa ra những phần thưởng khích lệ hoặc hình phạt dành cho bạn. Phần thưởng bao gồm tiền lương, tiền thù lao, sự công nhận của người khác,… Hình phạt có thể bao gồm phạt tiền (vi phạm giao thông), sự bực bội của người khác, hoặc những tác nhân khiến bản thân thấy tiêu cực nói chung.
Ngoại lực không xấu. Ngược lại, trong một số trường hợp, nó là một tiền đề tốt để cho nội lực được phát triển. Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường sống nhờ ngoại lực, nhưng đồng thời cũng kịch liệt “ghét bỏ” nó.
HIỆU ỨNG TỰ ĐIỀU CHỈNH: NGOẠI LỰC ĐÁNH BẠI NỘI LỰC
Một thí nghiệm nổi tiếng về động lực do hai nhà nghiên cứu Leeper và Greener đã chỉ ra rất rõ: hiệu ứng tự điều chỉnh là có thật!
Hiệu ứng tự điều chỉnh (overjustification effect) là hiện tượng xảy ra khi ngoại lực đánh bại nội lực. Thí nghiệm được thực hành dựa trên 3 nhóm trẻ em. Nhóm đầu tiê được biết về phần thưởng chúng sẽ nhận được. Nhóm tiếp theo sẽ không được tiết lộ gì về phần thưởng cho tới khi làm xong. Nhóm cuối cùng hoàn toàn không nhận được phần thưởng nào. 3 nhóm này được quan sát độc lập và không liên quan gì tới nhau trong suốt quá trình.
Kết quả chỉ ra rằng nhóm 1 có khả năng duy trì nội lực kém hơn các nhóm khác. Sau một thời gian tham gia, chúng tỏ ra chán nản và chỉ tiếp tục làm vì phần thưởng được hẹn trước. Hai nhà nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra mối liên quan với hệ thống giáo dục đương thời, nơi mà rất nhiều “phần thưởng” được đưa ra cho trẻ nhỏ.
Việc giảm nội lực có nhiều hệ quả: ít hứng thú, giảm khả năng xử lý vấn đề, hao mòn sự sáng tạo.
NÊN DUY TRÌ ĐỘNG LỰC NHƯ THẾ NÀO?
Bên ngoài phạm vi lý thuyết, trên thực tế, hai loại động lực có tác động qua lại lẫn nhau. Trong một số trường hợp, khi cá nhân chưa có nội lực cho công việc, ngoại lực (hay phần thưởng) sẽ là một cú hích để kích thích đam mê làm việc. Ví dụ, trong thời gian đầu, bạn làm việc chỉ vì lương thưởng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, bạn tìm thấy niềm yêu thích với công việc và dần dần trau dồi kỹ năng nhiều hơn. Sau cùng, bạn làm việc vì bạn thật sự thích nó và lương thưởng chỉ còn là một sự khích lệ bổ sung.
VIẾT RA NHỮNG THỨ ĐANG TẠO ĐỘNG LỰC CHO BẠN
Viết ra những điều đang cổ vũ bạn là một cách giúp định hình được nội lực và ngoại lực. Bạn hãy dành từ 10 đến 15 phút, ghi ra giấy tất cả những điều đó. Sau đấy, bạn hãy phân loại chúng thành 2 loại hình động lực như trên. Bằng cách này, bạn sẽ thấy được mình đang làm việc vì điều gì và cần điều chỉnh ra sao để đạt trạng thái cân bằng nhất.
MỞ RỘNG THẾ GIỚI QUAN LÀ MỘT DẠNG TĂNG NỘI LỰC
Mở rộng thế giới quan không khó. Bạn hãy đi gặp gỡ và trò chuyện với những người trong cùng ngành hoặc ngoài ngành với bạn. Mỗi con người là một cuốn sách cùng một cốt truyện khác nhau. Việc bạn trao đổi cùng họ những vấn đề còn khúc mắc sẽ giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn. Từ đó, bạn sẽ được truyền cảm hứng và tìm được nguồn nội lực bổ sung cho mình.
KHÔNG XEM NHẸ NGOẠI LỰC
Người ta thường có xu hướng đánh giá thấp những người chỉ “làm vì tiền”. Tuy nhiên, việc xem nhẹ ngoại lực không khiến cho nội lực của bạn tăng lên. Ở một số trường hợp như luật pháp, việc ra các khung hình phạt có thể giúp cho nhiều người e dè hơn trước khi có ý định phạm tội.
Với cuộc sống hằng ngày, nếu nội lực chưa đủ mạnh, hãy cứ tiếp tục vì ngoại lực. Hãy giữ cho tâm trí luôn rộng mở trước mọi sự thay đổi của động lực trong tương lai.
TẠM KẾT
Con người không thể sống nếu không có động lực. Ngay cả vào những lúc đau khổ nhất giữa cơn trầm cảm, có nhiều người vẫn có thể tiếp tục sống nhờ vào chút động lực cuối cùng (như vì gia đình, bạn bè,…). ezCareMe mong bạn hiểu rằng chính bản thân bạn đang tự tạo cho mình những động lực đơn giản như vậy để tiến lên mỗi ngày. Hãy học cách biết ơn và đồng hành với chính mình trong con đường phía trước bạn nhé. Mọi tâm sự hãy cứ để ezCareMe lo!