Tội phạm vị thành niên không còn là một chủ đề mới lạ. Chúng thường bị dán nhãn là những đứa trẻ “hư” và “hỗn láo”. Tuy nhiên, liệu có động cơ tâm lý mạnh mẽ nào đằng sau những đứa trẻ như vậy hay không?

“TOÀ ÁN VỊ THÀNH NIÊN”: CƠN “SỐT” DÒNG PHIM TÂM LÝ CHÂU Á

KHÔNG CHỈ LÀ PHIM “TÌNH CẢM”

“Toà Án Vị Thành Niên” (tên tiếng Anh: Juvenile Justice) là một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc khai thác đề tài tâm lý, trinh thám. Series phim bao gồm 10 tập được phát hành bởi Netflix từ tháng 02/2022.

Bộ phim theo chân nữ thẩm phán Shim Eun Sook (Kim Hye Soo thủ vai). Cô là một người nổi tiếng nghiêm khắc và không khoan nhượng trong mọi phán quyết của mình. Xen giữa sự căm phẫn và lòng thương cảm tới những đứa trẻ không được giáo dục đầy đủ, Shim Eun Sook coi những phán quyết của mình là giải pháp tối ưu nhất dành cho những kẻ bất hảo.

Ở mỗi tập phim, bên cạnh phá án, thẩm phán Shim đều tìm hiểu cặn kẽ quá khứ của từng đứa trẻ. Ẩn sau vẻ bề ngoài ngổ ngáo là lì lợm là một tâm hồn bị chính mẹ mình ruồng bỏ. Bên trong một cô bé ăn chơi và chống đối là một người bố luôn bạo hành và đánh đập con mình. Những người bố chỉ lo làm ăn, những người mẹ chỉ bận bịu “việc thiên hạ” – theo lời những đứa trẻ đó – đã đẩy con họ ra xa từ khi nào chẳng hay.

CHỦ ĐỀ TÂM LÝ THÚ VỊ 

Bộ phim lấy đề tài tội phạm vị thành niên – một nước đi táo bạo của các nhà làm phim. Khi hung thủ là trẻ vị thanh niên, phản ứng của dư luận thường rẽ đi nhiều hướng khác nhau. Có người thương xót, có người thì căm phẫn và đòi pháp luật ra tay thật nặng. 

Nhưng điều làm bộ phim trở thành “cơn sốt” trong một khoảng thời gian dài không phải là những pha phá án sắc sảo hay sự phán quyết nghiêm nghị. “Toà Án Vị Thành Niên” mở ra một cái nhìn mới cho chúng ta một cái nhìn mới về những đứa trẻ “không gia đình” và quá trình tổn thương của chúng. 

ĐIỂM SÁNG CỦA BỘ PHIM 

Mỗi kẻ phản diện đều có quá khứ của riêng. Thế nhưng, điều mà “Toà Án Vị Thành Niên” hướng đến không phải là “xin” nước mắt từ khán giả. Hơn cả thế, bộ phim cho chúng ta thấy tầm quan trọng của gia đình và sự nguy hiểm đến từ những vết thương tâm lý không được chữa lành. 

Những đứa trẻ bất hảo trong phim đều “không có gia đình”. Không phải vì chúng mồ côi, mà sự “tồn tại” của cha mẹ chúng đều gần như bằng 0. Những đứa trẻ lớn lên mà không có sự yêu thương và dạy dỗ đúng cách trong phim đều lựa chọn phạm tội như một cách trốn thoát thực tại.

MỐI LIÊN HỆ GIỮA GIA ĐÌNH VÀ TÂM LÝ

TÂM LÝ HỌC PHÁT TRIỂN 

Tâm lý học Phát triển (Developmental Psychology) là một nhánh nghiên cứu về sự phát triển của tâm lý con người xuyên suốt cuộc đời. Nói về giai đoạn của trẻ nhỏ, có một điểm cần lưu ý tới được gọi là sự phát triển nhận thức. Đây là nền tảng cho rất nhiều sự phát triển về sau, đặc biệt là phát triển tư duy và đạo đức. 

Học giả nổi tiếng John Locke cho rằng “Trí óc của trẻ em là một trang giấy trắng và hành vi của chúng sẽ được hình thành bởi những trải nghiệm sau này”. Ông gọi điều này là “tabula rasa” nhằm nói tới việc trẻ em dễ bị tiếp thu bởi ngoại cảnh như thế nào. 

Tương tự, nhà tâm lý học John B. Watson nhận định một cách tự tin, rằng “Hãy cho tôi một tá những đứa trẻ sơ sinh mạnh khoẻ, ổn định. Tôi sẽ nuôi chúng trong môi trường đặc biệt và biến chúng trở thành bác sĩ, luật sư, hoạ sĩ, thậm chí là những kẻ trộm hay bất hảo, bất kể năng khiếu hay sở trường của chúng là gì.”. Điều này càng làm rõ hơn mối liên hệ giữa sự nuôi dạy cơ bản từ gia đình và nhà trường với những hành vi sau này của con người. 

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH

Trong cuốn sách “Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ cần vỗ về, tác giả/nhà tâm lý học Choi Kwang Hyun đã chỉ ra mối liên kết đặc biệt giữa gia đình và sự phát triển của con người. Trước khi tiếp nhận sự giáo dục từ nhà trường, giai đoạn phát triển đầu đời đều đến từ cha mẹ và người nuôi dưỡng. Ngay cả khi đã đi học và tiếp xúc với xã hội, giá trị của gia đình cũng không thuyên giảm mà thậm chí còn rõ nét hơn. Vì vậy, cách cha mẹ tương tác với trẻ thời thơ ấu thường sẽ được thể hiện qua cách chúng ứng xử và hành động khi trưởng thành. 

TỔN THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH

BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Đây là dạng tổn thương phổ biến nhất. Bạo lực gia đình thường xảy ra giữa cha mẹ hoặc giữa cha mẹ và con cái. Dù theo cách nào, những đứa trẻ khi trải qua bạo lực gia đình đều bị tổn thương nặng nề về mặt tâm lý.

Khi lớn lên, những người có quá khứ bị bạo lực sẽ dễ trở nên căng thẳng lo âu, né tránh xung đột, trầm cảm. Hoặc ở một diễn biến khác, người đó sẽ trở nên nóng tính, xu hướng bạo lực nhiều hơn, gần như phản chiếu lại hình ảnh của cha mẹ thời thơ ấu với con của mình. Tâm lý học gọi nó là “sang chấn thế hệ” (generational trauma)

Trên phim ảnh, đây là một hình tượng được khai thác nhiều, ví dụ như bộ phim “Đêm Tối Rực Rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto. 

SANG CHẤN LIÊN THẾ HỆ

Sang chấn liên thế hệ là cụm từ mô tả những tổn thương truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Loại tổn thương này thường gặp ở bạo lực gia đình. Khi một người sống trong môi trường bạo lực, khi trưởng thành họ đôi khi có xu hướng hành xử tương tự với con cháu của mình. Đây là một dạng tổn thương trong vô thức khi mà người chịu tổn thương vô tình thành bản sao của thứ đã từng làm tổn thương chính mình.

BẠO LỰC NGÔN TỪ 

Bạo lực ngôn từ được thể hiện bằng lời nói. Nó là những câu mắng gây tổn thương hoặc có nội dung chỉ trích gây khó chịu tới tinh thần người nghe. Việc im lặng thời gian dài, chiến tranh “lạnh” với đối phương (silent treatment) cũng là một dạng của bạo lực ngôn từ. 

Những đứa trẻ bị bạo lực ngôn từ sẽ có xu hướng trở nên tự ti, hay tìm cách chiều lòng người khác, lo âu, trầm cảm. Hơn hết, chúng sẽ cảm thấy mình thua kém. Đôi khi, chúng có xu hướng bắt nạt hoặc làm hại người/vật yếu thế hơn để có cảm giác mình được tự do và không bị ai kiểm soát. 

ÁP LỰC GIA ĐÌNH

Áp lực gia đình là một dạng tổn thương phổ biến. Ở các gia đình châu Á, áp lực gia đình thường đến từ việc kỳ vọng trong việc học hành. Nhiều người thường cho rằng “áp lực tạo nên kim cương”. Thế nhưng, họ lại quên đi rằng mỗi người có một quá trình phát triển khác nhau. Có những đứa trẻ có thể sống dưới áp lực nhưng cũng không ít những đứa trẻ không thể làm điều đó. 

LIỆU CÓ HƯỚNG ĐI NÀO CHO TỔN THƯƠNG GIA ĐÌNH?

Mọi tổn thương tinh thần đều quan trọng và xứng đáng nhận được sự quan tâm. Nếu bạn đang trải qua những vấn đề kể trên, hãy tham khảo ngay những phương pháp sau đây:

Tham vấn tâm lý

Tham vấn tâm lý luôn là lựa chọn hàng đầu trong những trường hợp gặp khó khăn về tinh thần. Hầu hết những nhà tham vấn khi làm việc với thân chủ sẽ quan tâm về quá khứ hoặc môi trường gia đình của người tới tham vấn. Khi đi tham vấn về gia đình, bạn sẽ có cơ hội được nhìn vấn đề từ góc nhìn khách quan. Từ đó, bạn có thể chữa lành cũng như có các phương hướng hỗ trợ tinh thần cho bản thân tốt hơn. 

>> Tìm kiếm nhà tham vấn phù hợp với bạn  

Trò chuyện trực tiếp

Trong một số trường hợp, bạn có thể nói chuyện trực tiếp với gia đình mình. Khi đã nhận ra các vấn đề, điều bạn cần làm chính là mạnh dạn lên tiếng để chấm dứt những tổn thương đang lan rộng. Đôi khi, gia đình cũng cần một sự nỗ lực để trở nên lành mạnh hơn thay vì trở thành một môi trường đè nén mỗi cá nhân trong đó. 

Sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng 

Với những trường hợp bạo lực gia đình, đừng ngần ngại mà hãy liên hệ tới các đường dây nóng và cơ quan hỗ trợ. Nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ được bảo vệ và giúp đỡ một cách tối ưu nhất. Đặc biệt với các trường hợp là phụ nữ, trẻ em và người già, bạn hãy động viên họ tìm tới sự trợ giúp của các cơ quan để được ngăn chặn sớm nhất. 

Đường dây nóng BLGĐ: 1800.1768

By Tue Minh

a blank space that willing to be filled with love and knowledge.

Leave a Reply

Your email address will not be published.