Câu chuyện về lý thuyết “4 lò lửa” và hội chứng burn-out là một vòng lặp.
LÝ THUYẾT 4 LÒ LỬA LÀ GÌ?
4 LÒ LỬA – THE 4 BURNERS THEORY
Thuyết 4 lò lửa lần đầu được giới thiệu bởi nhà văn kiêm diễn viên hài người Mỹ David Sedaris. Đây là một lý thuyết về việc cân bằng công việc cuộc sống (Work-Life balance). Thuyết yêu cầu bạn hãy tưởng tượng cuộc đời mình được chia thành 4 lò lửa khác nhau. Bao gồm:
- Lò lửa 1: gia đình, họ hàng
- Lò lửa 2: bạn bè
- Lò lửa 3: sức khoẻ
- Lò lửa 4: công việc
Nguyên gốc của lý thuyết này cho rằng: để trở nên thành công, bạn cần phải tắt 1 lò lửa; để trở nên cực kỳ thành công, bạn cần tắt đi 2.
>> Đọc thêm: “Work-life balance” – Bí quyết để cân bằng công việc & cuộc sống
Nếu bạn muốn trở thành một người thành công trong công việc, bạn sẽ buộc phải dành ít thời gian cho gia đình và bạn bè. Nếu bạn muốn có một sức khỏe tốt, bạn sẽ buộc phải giảm bớt những cuộc chơi và khối lượng công việc nặng nề của công ty.
TẠI SAO LẠI CÓ THUYẾT 4 LÒ LỬA?
Trên thực tế, dù nghe có vẻ cực đoan, thuyết 4 lò lửa chỉ đơn giản là sự đúc kết từ một hiện tượng rất quen thuộc trong cuộc sống.
Kỷ nguyên cá nhân đã xây dựng hình ảnh của con người như một cỗ máy. Người ta bình thường hoá việc làm thêm giờ và “chạy” deadlines. Ai ai cũng muốn trở thành một người-nghiện-việc (workaholic). Chính những điều đó đã dẫn đến sự suy giảm của sức khỏe tinh thần và thể chất của người trẻ – những người thuộc thế hệ “rực cháy cả 4 lò lửa”.
Trong tâm lý, chúng ta gọi đó là hội chứng kiệt quệ “cháy sạch” (burn-out).
Nguồn ảnh: James Clear
HỘI CHỨNG KIỆT QUỆ (BURN-OUT)
THẾ NÀO LÀ KIỆT QUỆ?
Hội chứng cháy sạch (burn-out) là một trạng thái suy nhược khi một người rơi vào trạng thái căng thẳng một thời gian dài. Burn-out thường xuất hiện ở HSSV hoặc người đi làm – là những người thường xuyên phải đối diện với một lượng lớn công việc mỗi ngày.
Triệu chứng của kiệt quệ bao gồm suy nhược thần kinh – thể chất, mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ rũ, giảm hoặc tăng cân nhiều đột ngột do stress.
HỆ QUẢ CỦA BURN-OUT
Các hệ quả của burn-out trong thời gian dài trải dài từ thể chất tới tinh thần.
- Mắc các vấn đề tâm lý: trầm cảm, lo âu, mệt mỏi, hoảng loạn
- Cơ thể suy nhược, thiếu chất, giảm sức đề kháng
- Thần sắc không tốt
- Tìm tới các chất gây nghiện, các hành vi tự hại
CÓ BAO NHIÊU PHẦN TRĂM CHO SỰ CÂN BẰNG?
Một phản ứng thường gặp của mỗi người khi đọc về 4 lò lửa chính là tìm cách cân bằng nó.
“Liệu có thể vừa trở nên thành công vừa duy trì cả 4 lò lửa không?”
“Có khả thi không nếu chúng ta gộp lò lửa “gia đình” và “bạn bè” vào làm một?”
Tuy vậy, có một thực tế tương đối phũ phàng mà chúng ta phải nhìn nhận: cuộc sống là những sự trao đổi. Bạn không thể tham lam đòi hỏi mọi điều có lợi cho mình. Trong nhiều trường hợp, bạn cần học cách đối diện và hy sinh những thứ mình muốn cho những lợi ích lớn hơn.
Điều này không hẳn là thực dụng. Ví dụ như để trở thành một ông bố bà mẹ tốt, bạn cần hy sinh thời gian, sức khoẻ, đôi khi là công việc của bản thân để đồng hành cùng một đứa trẻ một-cách-lành-mạnh.
LUÔN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP
TÌM KIẾM SỰ HỖ TRỢ BÊN NGOÀI
Để giảm thiểu áp lực, chúng ta có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hãy tưởng tượng bạn là một người sếp. Để vận hành công ty hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể thuê nhân viên để hỗ trợ những phần việc cụ thể. Áp dụng vào lý thuyết 4 lò lửa, bạn có thể tìm những “người chăm sóc riêng” cho từng “lò”. Mục đích của việc tìm hỗ trợ là để bạn có thể duy trì các khía cạnh khác. Thay vào đó bạn có thể dành cho những việc quan trọng hơn.
Ví dụ: đi khám tổng quát cho sức khỏe thể chất, đi tham vấn khi nhận thấy dấu hiệu không ổn của sức khỏe tinh thần, tìm người hỗ trợ các công việc nhà,…
Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng việc lệ thuộc có thể mất đi giá trị của nó. Nó khiến bạn chủ quan và ít quan tâm thực sự tới cuộc sống của mình.
>> Tìm kiếm hỗ trợ sức khoẻ tinh thần ở đây
CHẤP NHẬN NHỮNG KHÓ KHĂN
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh hay lựa chọn ở thời điểm đó. Tuy vậy, chúng ta có thể học cách thay đổi thái độ và hành động để tận dụng hoàn cảnh tốt nhất.
Câu hỏi bạn nên (và cần) đặt ra cho bản thân là: “Hãy coi như tình cảnh này là không thể thay đổi, vậy làm thế nào để tôi thu được hiệu quả tối đa trong tình huống đó?”. Mục đích của việc này chính là chuyển hướng sự chú ý của bạn sang hành động thiết thực thay vì mệt mỏi và trì hoãn bởi khó khăn.
Ví dụ: bạn bắt buộc phải làm việc toàn thời gian trong giờ hành chính, vậy làm thế nào để bạn tận dụng được khoảng thời gian đó giải quyết công việc mà không phải mang phần việc chưa xong về nhà?
PHÂN CHIA THÀNH NHỮNG GIAI ĐOẠN
Đây là một phương pháp tương đối hiệu quả đã được chúng ta sử dụng trong vô thức. Khi đứng trước việc phải lựa chọn để “lò lửa” nào cháy sáng nhất, nhiều người có xu hướng chia cuộc đời ra thành những giai đoạn nhỏ.
Mục đích của việc làm này chính là xác định thứ tự ưu tiên cho từng giai đoạn cuộc sống. Ở thời điểm trưởng thành, bạn sẽ cần ưu tiên công việc để xây dựng tài chính vững mạnh. Ở giai đoạn lập gia đình, khi đã có tài chính của giai đoạn trước, bạn sẽ tập trung vào gia đình của mình nhiều hơn.
Cần lưu ý rằng mỗi giai đoạn cuộc đời của mỗi người là khác nhau. Có người sẽ tập trung vào các khía cạnh gia đình hay sức khoẻ trước khi tiến tới công việc. Bạn không cần cảm thấy căng thẳng khi so sánh với người khác. Chúng ta đơn giản là đang ở những đường đua khác nhau mà thôi!
>> Quản lý stress thế nào cho đúng?
Lược dịch: THE DOWNSIDE OF WORK-LIFE BALANCE by James Clear