Hãy thử tưởng tượng: bạn đang nghe một người quen thao thao bất tuyệt về một chủ đề mà bạn là chuyên gia. Cậu bạn kia dù nói sai rất nhiều ý, nhưng lại có một thái độ “chém gió” cực kỳ tự tin và khiến mọi người xung quanh trầm trồ vì khả năng hiểu biết của mình. Khi một ai đó lên tiếng phản biện lại, cậu bạn đó sẽ lập tức tìm cách phủi đi quan điểm của họ một cách tiêu cực và nâng cao ý kiến của mình lên.
HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER LÀ GÌ?
Hiểu về hiệu ứng tâm lý Dunning-Kruger
Hẳn rằng đã có nhiều người trong chúng ta trải qua tình huống tương tự kể trên. Hiệu ứng Dunning-Kruger (Dunning-Kruger effect) là một thuật ngữ sử dụng trong tâm lý học nhận thức. Đây là cụm từ nói về hiệu ứng thiên kiến nhận thức của con người. Nó được đặt tên dựa trên 2 nhà tâm lý học nghiên cứu David Dunning và Justin Kruger. Họ đã tiến hành thử nghiệm bằng cách kiểm tra khả năng của các ứng viên tham gia (ngôn ngữ, logic, độ hài hước,…). Kết quả cho thấy những người có chỉ số kiểm tra thấp lại có xu hướng đánh giá bản thân cao hơn rất nhiều.
Hiệu ứng Dunning-Kruger sẽ xảy ra khi chúng ta có xu hướng đánh giá cao năng lực bản thân một cách thiếu thực tế trong một lĩnh vực nhất định. Ví dụ ở đầu bài viết hoặc bài thí nghiệm của Dunning và Kruger chính là ví dụ điển hình.
Tại sao lại xuất hiện hiệu ứng tâm lý Dunning-Kruger?
Lời giải mà hai nhà nghiên cứu đưa ra cho hiệu ứng nói trên chính là những ứng viên đó thường chưa đủ trình độ, kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá bản thân. Trong một số trường hợp, ứng viên còn có cái tôi cao và thái độ cứng nhắc, dẫn đến dù nhận ra thiếu sót nhưng lại không chịu thừa nhận.
Tuy vậy, hiệu ứng tâm lý Dunning-Kruger không đồng nghĩa với chỉ số IQ thấp và ngược lại. Thay vào đó, những người không đủ trình độ thường sử dụng sự tự tin quá mức như một cách khỏa lấp sai sót của mình. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới những hành vi/suy nghĩ/quyết định nói trên.
Biểu đồ giai đoạn tâm lý
- Khi chưa có kiến thức và kinh nghiệm, chúng ta bắt đầu ở điếm số 0 (0 tự tin, 0 kiến thức)
- Giai đoạn 1: Khi đã nạp được một lượng kiến thức và kinh nghiệm nhất định, sự tự tin tăng dần. Sự tự tin tăng nhanh hơn và dễ bị mất kiểm soát. Đỉnh cao của giai đoạn này là khi kiến thức và tự tin chênh lệch nhau quá nhiều (ít kiến thức, thừa tự tin) dẫn tới tự cao.
- Giai đoạn 2: Sẽ có những người thoát ra khỏi giai đoạn 1. Đó là khi chúng ta học nhiều hơn/nghiên cứu kỹ hơn và dần nhận ra mình chưa hiểu gì nhiều về lĩnh vực này. Điểm đáy chính là khi sự tự tin tụt xuống thấp nhất.
- Giai đoạn 3: Với những người có chí tiến thủ, họ sẽ tiếp tục tiến tới giai đoạn 3. Sau một thời gian học hỏi, sự tự tin lại dần tăng lên nhưng với cường độ chậm rãi và chắc chắn hơn so với giai đoạn số 1.
- Giai đoạn 4: Khi đã trở thành chuyên gia/người am hiểu, sự tự tin và kiến thức sẽ song hành một cách tích cực. 1 trong 2 sẽ không cản trở yếu tố còn lại. Đây là giai đoạn phát triển bền vững.
Trong thực tế, sẽ có rất nhiều người bị kẹt lại ở giai đoạn 0,1 và 2. Rất ít người đạt được tới giai đoạn 4. Hiệu ứng Dunning-Kruger không chỉ đơn giản là một hiệu ứng nhất thời. Nó có thể trở thành vật kìm chân bạn nếu không được nhìn nhận và thay đổi nhanh chóng.
HỆ QUẢ CỦA HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER?
Về lâu dài, đây không phải là một hiệu ứng tốt nên duy trì. Chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề như:
- Dễ gây tranh cãi với người khác (bạn bè/đồng nghiệp)
- Ảnh hưởng các mối quan hệ
- Ảnh hưởng khả năng học và tiếp thu
- Trở thành tiền đề xấu cho những hành vi, suy nghĩ, lối sống, niềm tin khác
Hãy lưu ý, hiệu ứng Dunning-Kruger khác hoàn toàn với việc có một thần thái tự tin tích cực và sẵn sàng học hỏi để tiến bộ hơn. Đây chính là ranh giới giữa tự tin và tự cao mà chúng ta cần lưu tâm.
CẢI THIỆN VÀ HẠN CHẾ HIỆU ỨNG DUNNING-KRUGER?
Việc cải thiện tâm lý của bản thân cũng giống như tập thể dục hàng ngày. Bạn cần luyện tập mỗi khi có thể, lựa chọn những hướng phù hợp với bản thân. Sau cùng, tất cả điều chúng ta làm đều chỉ vì sức khoẻ của chính mình thôi mà, bạn ha?
Bạn có thể hạn chế hiệu ứng Dunning-Kruger bằng các cách:
Lắng nghe các quan điểm khác nhau
Bạn không phải là trung tâm của vũ trụ và người khác cũng vậy. Hãy thử trao đổi và lắng nghe những quan điểm khác nhau về cùng 1 vấn đề. Bạn sẽ cảm thấy khai sáng và thú vị hơn rất nhiều đấy.
Luôn luôn học hỏi
Kiến thức trong cuộc sống này là vô biên. Những gì con người khám phá được thực chất mới chỉ là một phần rất nhỏ. Những thông tin đó chính là động lực giúp con người phát triển và tiến xa hơn trong cuộc sống. Hãy chắt lọc những kiến thức phù hợp ở những nền tảng uy tín, bạn sẽ thấy chính mình được “nâng cấp” lên rất nhiều đấy!
Tư duy phản biện
Một kỹ năng cần có với mọi công dân ở thế kỷ 21! Đây chính là kỹ năng bổ trợ cho ý số 1 (lắng nghe quan điểm). Bằng cách luyện tư duy phản biện, bạn sẽ tránh được những thiên kiến nhận thức không đáng có. Bạn cũng sẽ nhìn nhận mọi việc đa chiều hơn và có lý lẽ hơn đấy.
Sau cùng, ezCareMe mong rằng bạn hãy luôn sống bằng một thái độ cầu tiến và tích cực nhất. Chúng mình sẽ trở thành người bạn đồng hành tâm lý với bạn trên mọi chặng đường của cuộc đời.