Làm sao để biết khi nào chúng ta nên đáp trả một bình luận tiêu cực hay là lờ chúng đi?

MẠNG XÃ HỘI LÀ MỘT ‘NGÔI NHÀ KHÔNG CỬA’

Những ‘anh hùng bàn phím’

Mạng xã hội gần như không khác mấy so với thực tế. Đó là nơi mỗi người có thể khoác lên mình vài ba lớp mặt nạ khác nhau và thẳng tay gõ phím những lời bình mặc kệ đối phương có muốn nhận nó hay không.

Trên thực tế, mọi điều bạn mang lên mạng xã hội, dù tích cực hay tiêu cực, đều sẽ nhận về rất nhiều comment trái chiều. Không nhất thiết phải là một hành động sai, ngay cả khi bạn tự tin rằng nội dung mình tạo ra hoàn toàn lành mạnh, vẫn sẽ có những người sẵn sàng đánh giá bạn tiêu cực trên tiêu chuẩn của họ.

Họ làm sai nhưng ai là người bảo vệ?

Hầu hết những ‘anh hùng mạng’ như vậy đều có chút bất mãn trong cuộc sống, dẫn đến việc họ phóng chiếu cảm xúc tiêu cực của mình lên mọi thông tin xung quanh. Nhìn chung, ngôi nhà bạn xây nên trên mạng xã hội là một ‘ngôi nhà không cửa’. Không thật sự có một ranh giới nào cho những người ghé thăm, bởi họ sẽ luôn biện minh bằng câu ‘tự do ngôn luận’ lên hàng đầu.

LÚC NÀO CHÚNG TA NÊN ĐÁP TRẢ BÌNH LUẬN TIÊU CỰC?

Hầu hết, khi nhận về bình luận không tốt, đa số đều có xu hướng đáp trả ngay lập tức.

Khi bạn đang đại diện cho công ty/tổ chức

Khi bạn đang hoạt động trên mạng xã hội dưới danh nghĩa là đại diện cho một công ty/tổ chức, việc cẩn thận trong phát ngôn là vô cùng quan trọng. Với những comment tiêu cực, bạn nên tìm cách giải quyết và xử lí tinh tế nhất, tránh ảnh hưởng tới bản thân và công việc của mình.

Khi bạn làm sai và cần đưa ra lời xin lỗi

Với trường hợp này, bạn đã vô tình hoặc cố ý gây nên sự tiêu cực cho người xem. Thẳng thắn sửa chữa sai lầm bằng cách trả lời những comment một cách thiện chí không chỉ giúp bạn xoa dịu dư luận mà còn giúp bạn được cộng điểm trong mắt nhiều người.

Khi bạn cần bảo vệ danh dự của mình

1 đồn 10, 10 đồn 100. Một lời bình luận tiêu cực không đúng về bạn, nếu như không được trả lời thỏa đáng, sẽ dễ tạo thành một chuỗi những lời đồn. Vì vậy, việc đáp trả những bình luận này theo hướng giải thích hay làm rõ sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều các rắc rối về sau.

LÚC NÀO CHÚNG TA CẦN ‘NGÓ LƠ’ NHỮNG BÌNH LUẬN TIÊU CỰC?

Ngược lại, bạn đã biết khi nào chúng ta cần “giả mù” trước những lời nói ác ý chưa?

Khi đó là những trò đùa vô nghĩa

Không ít người trên mạng xã hội là những người thích đùa. Những câu đùa đó, đôi khi trong một vài trường hợp, gây nên sự khó chịu. Trong tình huống như vậy, cách tốt nhất là hãy “ngó lơ” chúng thay vì cho chúng một cơ hội để trở nên “buồn cười”. Bạn được quyền nhận và từ chối những thứ “tưởng chừng vui nhưng vui không nổi” đó.

Khi đó là những bình luận nhạy cảm

Những lời bình về miệt thị ngoại hình, phân biệt vùng miền/chủng tộc/giới tính, kỳ thị tâm lý,… đều là những lời bình nhạy cảm. Việc bạn reply không đúng cách có thể khiến mọi chuyện đi xa hơn và tạo cơ hội cho nhiều kẻ “bới lông tìm vết”. Hãy mặc kệ chúng hoặc xóa/chặn những bình luận như vậy để giữ vững tinh thần bạn nhé!

TẠI SAO CHÚNG TA CẦN HỌC CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG BÌNH LUẬN TIÊU CỰC?

Thế hệ ngày nay sống phần lớn phụ thuộc vào mạng xã hội. Mọi cảm xúc và trạng thái trên đó đều sẽ bị tâm lý “tiêu hoá” trong vô thức vào chính mình. Nếu như bạn cứ để mặc ngôi nhà của mình không có cửa, những kẻ xấu sẽ có cơ hội phá hoại hoặc làm tổn thương đến những thứ bên trong. Học cách đối phó với bình luận tiêu cực chính là một trong những cách để chúng ta xây được bức tường rào đầu tiên cho mình trên mạng xã hội.

  • Lịch sự và giữ thái độ nhẹ nhàng khi trả lời comment
  • Đề nghị đối phương liên lạc riêng để giải quyết nếu sự việc phức tạp
  • Cẩn trọng với những phát ngôn và nội dung mình chia sẻ trên mạng

PHẢI LÀM GÌ NẾU BỊ TỔN THƯƠNG NẶNG NỀ BỞI MẠNG XÃ HỘI?

Việc bị tổn thương bởi những tiêu cực là không hề tránh khỏi. Nếu tiếp tục để những điều đó tái diễn, chúng ta sẽ có nguy cơ cao mắc phải các rối loạn tâm lý. Các trường hợp điển hình do ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội như: trầm cảm, rối loạn lo âu, chán ăn tâm lý, mặc cảm ngoại hình,…

De-tox mạng xã hội

Ngưng sử dụng MXH một thời gian cho tới khi bạn cảm thấy ổn định lại. Ngoài ra, hãy lọc và kiểm tra lại những nội dung/cá nhân chúng ta đang theo dõi. Bạn có thể unfollow, unlike hoặc chặn để thanh lọc nền tảng cá nhân của mình.

Thực hành chánh niệm

Thực hành các bài tập chánh niệm để đưa tâm trí trở về với thực tại. Đặc biệt, nếu bạn là một người thường xuyên phải làm việc với MXH (truyền thông, marketing,…), hãy học các phương pháp này để giúp tâm trí trở nên thư giãn và nhẹ nhàng hơn sau khi phải đối phó với những tiêu cực không mong muốn.

Tham khảo bài viết Thực hành ăn chánh niệm.

Tìm sự trợ giúp

Trong mọi trường hợp liên quan tới tâm lý, phương pháp nhanh gọn và tối ưu nhất chính là tìm đến các chuyên gia tham vấn tâm lý. Với kiến thức và chuyên môn của mình, các nhà tham vấn sẽ hỗ trợ cũng như cùng bạn xây dựng thói quen sống mới lành mạnh hơn sau những tổn thương. Bạn có thể tham khảo các cơ sở chăm sóc sức khoẻ hoặc danh sách nhà tham vấn của ezCareMe tại đây.

Lược dịch và tham khảo từ VeryWell Mind.

By Tue Minh

a blank space that willing to be filled with love and knowledge.

Leave a Reply

Your email address will not be published.