Có bao giờ bạn quan tâm tới sức khoẻ tinh thần của chính thầy cô giáo của mình?
Phía sau bục giảng, thầy cô vẫn là những người bình thường
Những cảm xúc phải kìm nén
Nghề giáo là một nghề cao quý. Những người mang trên mình sứ mệnh trồng người càng ý thức được điều đó hơn bất cứ ai. Thầy cô là tấm gương của học trò, là thước đo chuẩn mực để các em noi theo. Chính vì thế, trên giảng đường, họ thường phải kìm nén những cảm xúc của mình để có thể cư xử một cách công bằng và khách quan nhất.
Không chỉ dạy học, các thầy cô còn rất nhiều mối bận tâm khác như gia đình, con cái và các vấn đề cá nhân. Tuy vậy, lượng công việc cao kèm sự bó hẹp của khuôn mẫu nói trên, không ít thầy cô phải đè nén những áp lực và cảm xúc của mình lại một cách cực đoan.
Sự kìm nén không đáng có đó đã vô tình gây nên những vấn đề về tâm lý bên trong mỗi người. Đáng buồn rằng, thường có rất ít thầy cô chủ động đi tìm sự trợ giúp tâm lý. Họ cho rằng những ‘quá tải’ đó là hoàn toàn bình thường và xem nhẹ sức khoẻ tinh thần của mình. Chúng ta đã vô tình quên rằng, đằng sau bục giảng, giáo viên vẫn là những người bình thường.
Những hệ luỵ chồng chất
Trên thực tế, các thầy cô có rất ít thời gian để chăm sóc cho bản thân mình. Ngoài giờ lên lớp, nhiều thầy cô vẫn phải đi dạy thêm hoặc soạn bài để kịp cho các lớp của hôm sau. Thậm chí, những nhu cầu cơ bản như ăn uống hay nghỉ trưa cũng được đáp ứng rất ít hoặc hầu như không có (đặc biệt là ở hệ thống giáo dục Việt Nam đa phần học sinh đi học 6/7 ngày và phải học ca chiều bắt đầu từ 12-1h trưa).
Có rất nhiều hệ quả của việc đè nén tâm lý ở giáo viên. Bao gồm:
- Trầm cảm, lo âu, kiệt sức
- Gắt gỏng, dễ nổi cáu với chính mình và những người xung quanh
- Ảnh hưởng sức khoẻ thể chất và tinh thần
- Giảm tình yêu với nghề
- Gián tiếp trở thành tác nhân gây tổn thương đến các em học sinh
Vì sao các thầy cô cần quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của mình?
Với ngành giáo dục, tâm lý là một phạm trù gắn bó trực tiếp tới công việc của họ. Lắng nghe tâm của chính mình cũng là cách để các thầy cô hiểu hơn về các em học sinh. Là một nghề nghiệp liên quan tới con người trong độ tuổi phát triển, giáo viên nếu không để tâm tới sức khoẻ tinh thần của mình sẽ rất khó để đối phó với những khủng hoảng có thể xảy đến.
Khi thầy cô đang dồn nén áp lực, họ dễ trở nên nhạy cảm hơn. Thầy cô sẽ vô tình quát mắng hoặc có những lời nói gây tổn thương tới học sinh. Chất lượng giảng dạy đi xuống, các mối quan hệ với đồng nghiệp và học sinh cũng sẽ xấu đi ít nhiều. Từ đó, các em sẽ lại là người bị ảnh hưởng tâm lý, trở nên xa cách với giáo viên và giảm hứng thú học tập. Đây là một vòng lặp vô cùng đáng tiếc không chỉ xuất hiện trong ngành giáo dục mà còn ở xã hội nói chung.
Chăm lo sức khoẻ tinh thần của bản thân chính là một trong những cách giúp các thầy cô nâng cao được chất lượng dạy học của mình.
Làm thế nào để thầy cô chăm sóc sức khoẻ tinh thần tốt hơn?
Thay đổi phương pháp dạy học
Kiến thức quan trọng nhưng môi trường thoải mái cũng quan trọng không kém. Giáo viên có thể tạo cho mình phương pháp dạy học phù hợp thay vì chỉ tập trung vào kết quả. Bằng cách này, giáo viên sẽ được giảm áp lực đồng thời đem đến cho học sinh trải nghiệm học tập thú vị.
Ví dụ: hãy thử phương pháp dạy học bằng teamwork cho học sinh thay vì ghi chép. Các em sẽ được giao lưu với nhau đồng thời giảm áp lực soạn bài truyền thống cho giáo viên.
Thiết lập giới hạn cá nhân (boundaries)
Giới hạn cá nhân là một điều vô cùng quan trọng đối với giáo viên. Nhiều thầy cô thường bị cuốn theo công việc mà quên rằng mình cũng có cuộc sống riêng. Họ thường làm việc thêm ở nhà, trả lời công việc hoặc làm việc với phụ huynh vào tối muộn. Những điều này tưởng như rất nhỏ, nhưng thực chất lại đang khiến thầy cô phải bớt đi khoảng thời gian nghỉ ngơi của mình.
Ví dụ: hạn chế mang việc ngoài giờ, không giải quyết vấn đề từ 9h tối,…
Chăm sóc bản thân
Tìm đến các phương pháp chăm sóc bản thân đơn giản như thiền, yoga, thể dục,… Thực hành các phương pháp này đều đặn sẽ giúp giảm căng thẳng và tăng cảm xúc tích cực.
Thử nghiệm tính năng theo dõi cảm xúc của ezCareMe tại đây.
Tìm sự trợ giúp của các nhà tham vấn
Đừng ngần ngại mà hãy tìm đến sự trợ giúp từ các nhà tham vấn tâm lý. Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cũng quan trọng tương đương với việc chăm sóc sức khoẻ thể chất. Bạn có thể đến các cơ sở chăm sóc sức khoẻ uy tín hoặc tham khảo danh sách nhà tham vấn tại ezCareMe để được hỗ trợ tinh thần kịp thời nhé!