Tất cả chúng ta đều đã có trải nghiệm về một chuyến đi trên đường và cảm thấy như thể chúng ta sẽ không bao giờ đến đích. Nếu bạn đi trên những cung đường giống nhau và gặp phải tình trạng giao thông tương tự, thì thời gian sẽ như nhau. Nhưng với Return Trip Effect, hành trình về nhà có cảm giác ngắn hơn so với chuyến đi ban đầu.
Do đâu mà có Return Trip Effect?
Return Trip Effect liên quan đến trải nghiệm chủ quan về thời gian. Ở cấp độ sinh học, chúng ta có một số đồng hồ sinh học tương đối chính xác. Trái tim của chúng ta đập theo một nhịp ổn định và cơ thể chúng ta trải qua các chu kỳ đều đặn hàng ngày.
Tuy nhiên, ở cấp độ tâm lý, nhận thức của con người về thời gian không chính xác và bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm trạng của họ. Tất cả chúng ta đều đã từng gặp những tình huống mà thời gian dường như đứng yên và những tình huống khác khi thời gian trôi nhanh. Nhưng khả năng phán đoán thời gian trôi qua thực tế của chúng ta là khá hạn chế.

Các nhà tâm lý học từ lâu đã quan tâm đến trải nghiệm chủ quan của thời gian nói chung và Return Trip Effect nói riêng. Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Khoa học Tính cách và Tâm lý Xã hội, nhà tâm lý học Zoey Chen của Đại học Miami và các đồng nghiệp đã đưa ra một lời giải thích mới về hiệu ứng này, và được họ kiểm chứng qua một loạt thí nghiệm.
Sự quen thuộc
Một lời giải thích cho Return Trip Effect liên quan đến sự quen thuộc. Nhận thức chủ quan về thời gian chậm lại trong những trải nghiệm không quen thuộc. Kết quả là, hành trình đi có cảm giác dài hơn so với hành trình trở về.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng Return Trip Effect xảy ra ngay cả với những hành trình quen thuộc như lộ trình đi làm hàng ngày của bạn.
Sự phá vỡ các kì vọng
Một cách giải thích khác là Return Trip Effect là kết quả của việc phá vỡ các kỳ vọng. Mọi người thường đánh giá thấp thời gian để làm một việc gì đó.
Khi họ thực hiện một chuyến đi xa, họ thấy cuộc hành trình mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Nhưng khi trở về, họ biết quãng đường sẽ mất bao lâu, vì vậy không ảnh hưởng đến kỳ vọng.
Một lần nữa, Return Trip Effect vẫn xảy ra với những chuyến đi quen thuộc. Bạn biết quãng đường đi làm của mình mất bao lâu, nhưng chuyến đi đến nơi làm việc dường như dài hơn so với khi trở về nhà.
Sự dự đoán
Chen và các đồng nghiệp đề xuất một lời giải thích mới cho hiệu ứng chuyến trở về mà họ gọi là sự phán đoán. Các nhà nghiên cứu bắt đầu với giả thuyết rằng hai giai đoạn của cùng một cuộc hành trình thường liên quan đến các mức độ dự đoán khác nhau.
Bạn chắc chắn hào hứng với việc đi nghỉ ở bãi biển hơn là về việc trở lại cuộc sống bình lặng sau đó. Và ngay cả trong quá trình đi làm buổi sáng, bạn thường nghĩ trước tất cả những việc bạn phải làm khi đến văn phòng.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có những trường hợp Return Trip Effect hoạt động ngược lại. Hãy tưởng tượng bạn đang ở siêu thị thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ một thành viên trong gia đình. Chuyến đi của bạn trở về nhà chắc chắn sẽ cảm thấy dài hơn bình thường.
Theo các nhà nghiên cứu, dự đoán làm tăng kích thích, gây chú ý và khiến chúng ta cảnh giác hơn. Sự kích thích cũng tạo ra sự kéo dài thời gian rõ ràng.
Nếu bạn đã từng bị tai nạn ô tô nghiêm trọng hoặc đối mặt với các tình huống nguy hiểm khác, bạn chắc chắn đã có trải nghiệm về cảm giác thời gian bỗng nhiên chậm lại.
Thí nghiệm về Return Trip Effect
Hãy hồi tưởng lại rằng Return Trip Effect chỉ là một ví dụ của hiện tượng lớn hơn là nhận thức chủ quan về thời gian. Vì vậy, những người tham gia thử nghiệm không cần thiết phải thực sự tham gia một cuộc hành trình. Thay vào đó, một chuyến đi ảo đến đó và trở lại cũng có thể tạo ra hiệu ứng này.
Trong thí nghiệm quan trọng mà Chen và các đồng nghiệp thực hiện, những người tham gia trả lời một loạt câu hỏi trực tuyến. Sau đó, họ được thông báo rằng họ sắp rời trang web hiện tại để đến trang khác xem một đoạn video ngắn trước khi quay lại khảo sát.
Trước khi video bắt đầu, một màn hình trống hiển thị một vòng tròn quay xuất hiện trong 15 giây. Khi video kết thúc, cùng một vòng tròn quay xuất hiện trong 15 giây nữa, sau đó cuộc khảo sát lại tiếp tục.
Khi kết thúc thử nghiệm, những người tham gia được yêu cầu ước tính thời gian tải video (lúc khởi hành) và thời gian quay lại cuộc khảo sát.
Để gây ảnh hưởng lên dự đoán, những người tham gia được đưa ra các kỳ vọng khác nhau về video mà họ sắp xem.
Một nửa số người tham gia được cho biết rằng video mà họ sắp xem rất hài hước và mọi người nói chung rất thích. Nửa còn lại được cho rằng video nhàm chán và hầu hết mọi người không thích nó.
Nếu Return Trip Effect là do dự đoán lúc xuất phát, thì hiệu ứng đó sẽ hiển thị trong tình trạng video hài hước nhưng không hiển thị trong tình trạng video nhàm chán. Về cơ bản, đây là những gì các nhà nghiên cứu đã tìm thấy.
Trong cả hai điều kiện, chuyến đi được ước tính dài hơn chuyến về. Tuy nhiên, sự khác biệt khá nhỏ ở điều kiện video nhàm chán nhưng lại khá lớn ở điều kiện video hài hước.
Một phát hiện thú vị khác là những người tham gia xem đoạn video hài hước này đã ước tính khá chính xác về thời gian của chuyến đi. Trong tất cả các trường hợp khác, họ đã đánh giá thấp khoảng thời gian.
Điều này cho thấy rằng khi chúng ta ở trong trạng thái hưng phấn tột độ, chẳng hạn như khi chúng ta dự đoán sẽ đến đích, nhận thức của chúng ta về thời gian trôi qua là khá chính xác. Nhưng khi không bị kích thích, chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn thực tế.
Kết luận
Cuối cùng, Return Trip Effect có thể là sự kết hợp của những điều trên, và có thể là một số nguyên nhân khác nữa mà các nhà tâm lý học vẫn chưa khám phá ra.
Nhưng nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng thời gian là một trải nghiệm chủ quan, kéo dài và co lại theo những cách không đồng nhất với thời gian thực tế.
Tham khảo và lược dịch: Why Does It Take Longer to Go There Than to Come Back?