Bạn đã bao giờ đọc một trang tin tử vi trên tạp chí và cảm thấy bất ngờ về độ “chính xác” của nó, mặc dù thừa biết rằng những thông tin ấy được viết một cách ngẫu nhiên và có chủ đích nhắm tới rất nhiều đối tượng độc giả khác nhau hay chưa? Đừng lo, đó chỉ là Barnum Effect đang chơi đùa với trí óc bạn mà thôi.
BARNUM EFFECT LÀ GÌ?
Hiệu ứng Barnum (Barnum Effect) là một thuật ngữ trong tâm lý học mô tả việc chúng ta thường dễ tin tưởng vào những thông tin “chính xác” liên quan đến bản thân, mặc dù những thông tin này được đưa cho rất nhiều người khác và có “độ chính xác” tương đương.
Tên của hiệu ứng tâm lý thú vị này được đặt theo P.T.Barnum — một ông bầu ngành giải trí nổi tiếng tại Mỹ nhờ quản lý một gánh xiếc lưu động “quái dị”. Gánh xiếc này được biết đến qua việc sử dụng những người có ngoại hình cá biệt để làm diễn viên. Barnum là một nhân vật gây nên nhiều tranh cãi bởi chính khả năng thao túng và thuyết phục của ông đối với các diễn viên của đoàn xiếc “kỳ lạ” lúc bấy giờ.

Trong kinh doanh, hiệu ứng Barnum cũng được sử dụng rất nhiều trong các doanh nghiệp như Netflix, Spotify hay Facebook thông qua việc tác động đến nhận thức của người dùng bằng các sản phẩm cá nhân hoá (personalized products). Một playlist, một danh sách phim hay một sản phẩm công nghệ “dành riêng cho bạn” chính là cách mà các doanh nghiệp khiến người dùng tin rằng họ đang được quan tâm và chăm sóc hơn so với những người khác. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng thiện cảm và uy tín với khách hàng của mình.
Cơ chế nào đứng sau Barnum Effect?
Thiên kiến nhận thức (cognitive bias) chính là “kẻ chủ mưu” đứng sau Barnum Effect. Thông thường, chúng ta có xu hướng suy diễn một cách chủ quan thông tin chung thành những thứ liên quan đến mình hoặc theo cách mình muốn, đồng thời né tránh sự phán xét hoặc những thông tin gây bất lợi cho bản thân. Con người chúng ta hầu hết đều nhận những lời khen ngợi bất chấp việc lời khen ấy vô cùng phổ biến và chung chung. Chính vì vậy, hiệu ứng Barnum hoạt động mạnh nhất khi được tiếp nhận những thông tin tích cực đối với cá nhân người được nghe.
Vì sao chúng ta lại trải qua Barnum Effect?
Thiên vị những thông tin liên quan đến bản thân
Thông thường, ngay cả với những thông tin đơn giản, chúng ta cũng có xu hướng quy nó vào bản thân mình. Giả sử, với một thông tin vu vơ như “bạn đang lo nghĩ về tiền bạc”, hầu hết chúng ta sẽ đều đều gật gù đồng tình với điều đó.
Bên cạnh đó, một thông tin gây ảnh hưởng mạnh nhất đến nhận thức người đọc qua Barnum Effect khi nó có chứa những từ khóa liên quan đến họ. So sánh giữa một thông tin khái quát với một thông tin có keywords nhắm thẳng đến một nhóm đối tượng nào đó (ví dụ: người hướng nội), kết quả thường cho thấy người đọc sẽ chú ý hơn đến loại thông tin thứ 2 và lập tức đối chiếu nó với chính mình. Hiệu ứng Barnum đã bẫy tâm lý thông thường của mỗi người vào việc tin rằng những thông tin ngẫu nhiên kia viết về mình và dành cho họ.
Tự liên kết khi tiếp nhận thông tin
Thống kê cho thấy có đến 90% người Mỹ tìm hiểu về cung hoàng đạo của bản thân và 50% trong số đó tin vào những thông tin hay lời khuyên liên quan đến cung của mình (theo Neurofield).
Hành vi tự liên kết xảy ra khi con người tự nhìn lại bản thân mình và so sánh với các sự việc xảy ra ngoài xã hội.
“Đúng là tuần này mình mới cãi nhau với bạn trai. Bài viết này nói đúng thật đấy! Phải xem nó dự báo về ngày mai như thế nào mới được.”.
Hoặc cũng có thể với một số thông tin chưa đúng:
“Tuần này mình đâu có được cho tiền như báo nói đâu nhỉ? Nhưng mà chắc sẽ được thôi, dù sao vẫn còn 4 ngày nữa mới hết tuần.”
Và giả sử như tuần đó bạn được cho tiền, dù chỉ là một số tiền rất nhỏ, bạn vẫn sẽ quy rằng lá số tử vi kia chính xác.
Tử vi phương Tây (horoscope – cung hoàng đạo) là một ví dụ điển hình về hiệu ứng Barnum. Bằng việc chỉ ra 12 chòm sao kèm theo các tính cách khác nhau một cách rất khái quát, tử vi ảnh hưởng không ít lên cách chúng ta tiếp nhận thông tin và đánh giá cá nhân lẫn người khác. Ví dụ, bạn là cung Xử Nữ và được horoscope khắc hoạ như một người cầu toàn và cẩn thận, bạn sẽ có xu hướng nghĩ mình và những người cùng cung Xử Nữ là người như vậy.
Barnum Effect và sức khoẻ tinh thần
Mọi thứ đều có hai mặt của nó và Barnum Effect cũng vậy. Lạm dụng hiệu ứng Barnum sẽ khiến chúng ta xây dựng thiên kiến nặng nề, có cái nhìn không khách quan và công bằng, từ đó dễ dẫn đến việc đưa ra các quyết định thiếu độc lập, gây ảnh hưởng trực tiếp lên bản thân cũng như các mối quan hệ. Đặc biệt hơn, với những người có tâm lý yếu và đang chịu ảnh hưởng của các rối loạn sức khoẻ tinh thần, việc tiếp nhận thông tin không chọn lọc và dễ bị ảnh hưởng bởi cái mác “dành cho bạn” có thể khiến tình trạng nặng nề hơn đi kèm căng thẳng kéo dài.
Bằng việc nhận thức được ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý Barnum, chúng ta có thể dễ dàng đánh giá được sự việc và kiểm soát tác động của nó lên đời sống bản thân. Nhận biết và đặt nghi vấn là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta tránh được việc rơi vào cái bẫy ảo của hiệu ứng Barnum.
Mọi biểu hiện của sự suy sụp hoặc kiệt sức về thần, bạn đừng ngần ngại mà hãy tìm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý nhé!
Lược dịch và tham khảo từ https://thedecisionlab.com/biases/barnum-effect