Nói chuyện với cha mẹ của bạn về cuộc đấu tranh của bạn với lo lắng, trầm cảm hoặc một số vấn đề nghiêm trọng khác có vẻ rất đáng sợ. Nếu họ không tin bạn thì sao? Thử đọc hướng dẫn này từ chuyên gia trị liệu để giúp bạn nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.

Nhiều học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chia sẻ rằng họ cần được giúp đỡ về chứng lo âu hoặc trầm cảm nhưng họ không biết phải nói với cha mẹ về điều đó như thế nào.
Một số học sinh cảm thấy cần được giúp đỡ là một dấu hiệu cho thấy họ không đủ kiên cường; những người khác lo lắng cha mẹ của họ có thể gạt bỏ cảm xúc của con cái vì họ không hiểu. Nếu bạn cũng đang cảm thấy như vậy, bạn không hề đơn độc đâu.
Nhiều gia đình không có thói quen nói về sức khỏe tinh thần, vì vậy có thể khó tìm được cách để thấu hiểu cho cảm xúc của bạn.
Những suy nghĩ phiền muộn có thể khiến bạn cảm thấy như không có gì diễn ra có lợi cho mình. Nếu bạn đang phải đương đầu với cảm giác trầm cảm, có thể khó tìm ra từ ngữ nào để mô tả những gì bạn đang cảm thấy mỗi ngày. Vì vậy, rất khó để bạn bắt đầu cuộc trò chuyện về tình trạng sức khoẻ của mình.
Sự thật là, cha mẹ của bạn luôn ở đó để giúp đỡ bạn. Ngay cả khi họ không chia sẻ nhiều về cảm xúc, hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ về sức khỏe tinh thần cho con cái của họ.
Họ muốn bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và họ muốn giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn. Hầu hết các bậc cha mẹ không chắc chắn về cách nói chuyện với con của họ về những chủ đề này và chờ được con “tiếp cận”.
Nếu họ không tin tôi thì sao?
Nhiều thanh thiếu niên lo sợ cha mẹ sẽ không coi trọng họ nhưng phản ứng của họ có thể khiến bạn ngạc nhiên. Họ thậm chí có thể đã giải quyết một số điều bạn đang gặp khó khăn và chưa bao giờ nói cho bạn biết.
Tuy rằng có thể khó để bắt đầu những cuộc trò chuyện nghiêm túc nhưng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau khi chia sẻ những lo lắng của mình với họ. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện với cha mẹ của mình.
Thử đi bộ và nói chuyện
Đôi khi, bạn sẽ dễ dàng cởi mở hơn khi không nhìn chằm chằm vào cha mẹ cũng như nét mặt của họ khi bạn nói chuyện.
Đi dạo cùng nhau là một cách tốt để mở lòng khi bạn cảm thấy sẵn sàng. Khi bạn ở bên cạnh cha mẹ và tham gia vào một hoạt động, việc giải quyết các chủ đề khó sẽ dễ dàng hơn và ít gây lo lắng hơn.
Các hoạt động khác bao gồm nói chuyện trong khi ném bóng hoặc ném vòng, chơi board games hoặc trong khi thực hiện một hoạt động gì đó cùng nhau (nấu ăn, may quần áo,..).
Sẽ luôn có một hoạt động nào đó bạn có thể làm để giúp phá vỡ bầu không khí căng thẳng, và cho đôi bên không gian để lắng nghe và phản hồi một cách cẩn thận, tận tâm.
Tập trung vào cảm giác của bạn
Thay vì thốt lên, “Tôi chán nản!”, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về cách bạn có thể mô tả chính xác nhất những gì bạn đang trải qua.
Nghĩ đến những triệu chứng bạn gặp phải trước khi nói chuyện để bạn có thể chia sẻ chi tiết về sức khỏe tinh thần đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hàng ngày của bạn.
Nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng và không thể mô tả nó, hãy nói điều gì đó như: “Con không biết phải mô tả nó như thế nào, nhưng gần đây con cảm thấy không được là chính mình. Con luôn cảm thấy mệt mỏi và không có động lực để đi học hoặc làm việc của mình. Con nghĩ con cần được giúp đỡ”.
Hãy chuẩn bị để trả lời các câu hỏi của họ
Nếu đây là cuộc trò chuyện đầu tiên về sức khỏe tâm lý của bạn, cha mẹ bạn có thể sẽ có rất nhiều câu hỏi. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường.
Cũng không sao nếu bạn không có tất cả câu trả lời ngay lập tức. Chia sẻ càng nhiều chi tiết càng tốt. Nếu bạn gặp khó khăn khi ngủ, khó tập trung, ăn uống hoặc thường xuyên bị đau đầu hoặc đau bụng thì đó là thông tin quan trọng. Hãy cởi mở nhất có thể để giúp cha mẹ hiểu được vấn đề.
Nói những gì bạn cần
Đôi khi cha mẹ chuyển sang chế độ “khắc phục sự cố” vì họ muốn giải quyết vấn đề ngay lập tức, nhưng điều bạn cần ngay bây giờ là sự hỗ trợ và cách ứng phó.
Phân tích điều gì đang gây ra vấn đề sẽ không hữu ích trong lúc này. Bạn có thể nói qua tất cả những điều đó khi gặp chuyên gia trị liệu.

Hãy tập trung vào nhu cầu trước mắt của bạn để giúp cha mẹ hiểu rằng bạn đã thực sự suy nghĩ thấu đáo điều này bằng cách nói những điều như, “Con biết con cần giúp đỡ để học cách đối diện với cảm xúc của mình bằng cách thực hành các kỹ năng ứng phó. Con cần gặp chuyên gia để giúp con việc này”.
Thử lại
Đôi khi cha mẹ cảm thấy choáng ngợp với những cuộc trò chuyện này, đặc biệt là khi con họ giỏi che giấu vấn đề của mình. Họ có thể không cung cấp cho bạn câu trả lời mà bạn mong đợi trong cuộc trò chuyện đầu tiên.
Nếu cha mẹ bạn nói rằng họ cần thời gian để suy nghĩ hoặc đọc thêm thông tin, hãy cho họ một chút không gian. Bạn có thể hỏi lại sau và nói, “Cha mẹ có cần thời gian để nghĩ về việc giúp con tìm một nhà trị liệu không? Con đã sẵn sàng để bắt đầu vượt qua những vấn đề của mình càng sớm càng tốt.”
Kế hoạch B: Tiếp cận với một người lớn đáng tin cậy khác
Nếu cha mẹ của bạn phủ nhận những vấn đề đó, đừng nản lòng — cha mẹ có xu hướng nhìn thấy những mặt tích cực ở con cái của họ. Không phải lúc nào họ cũng hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình huống ngay lập tức.
Tin tốt là có những người khác và những nơi bạn có thể đến để hỗ trợ. Hãy thử nói chuyện với một người lớn khác mà bạn tin tưởng để tìm kiếm hướng dẫn về cách tiếp cận với cha mẹ.
Cô hoặc chú, giáo viên, cố vấn học đường hoặc thậm chí là huấn luyện viên có thể giúp bạn bằng cách thay mặt bạn nói chuyện với cha mẹ và ủng hộ cho nhu cầu của bạn.
Đừng chờ đợi
Nếu bạn đang đọc bài viết này, đã đến lúc nói chuyện với cha mẹ của bạn. Bạn có thể làm được việc này.
Một mẹo hữu ích là thực hành trước gương để hiểu những gì bạn muốn nói. Việc nhắn tin trước cho bố mẹ của bạn để nói rằng: “Con có một việc thực sự quan trọng cần nói với cha mẹ. Hôm nay cha mẹ có thể dành ra một chút thời gian được không?”. Điều này là một tín hiệu rõ ràng để họ bỏ bớt sự phân tâm và tập trung vào bạn.
Một khi bạn bộc lộ cảm xúc của mình, bạn đã bước lên nấc thang đầu tiên của quá trình chữa lành.
Những nguồn lực hỗ trợ cho sức khoẻ tinh thần
Đường dây nóng có thể giúp ích — ngay bây giờ. Nếu bạn đang gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần hoặc nếu người bạn yêu thương đang gặp nguy hiểm, hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ.
Để nhận được sự tư vấn từ một cố vấn có chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm lý cho giới trẻ, hãy truy cập ezCareMe.
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy liên lạc đến hotline 24/7: 115.
Tham khảo và lược dịch: How to Tell Your Parents You Need Help