Toxic Positivity là một nỗi ám ảnh đối với suy nghĩ tích cực. Đó là niềm tin rằng mọi người nên có một lối suy nghĩ tích cực vào tất cả các trải nghiệm, ngay cả những trải nghiệm buồn bã và bi kịch.
Trong một số trường hợp, nó có thể được xem tự áp đặt. Ví dụ, một người luôn cố gắng tỏ ra vui vẻ trong mọi tình huống bằng cách thể hiện mọi thứ theo hướng tích cực. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một sự áp đặt từ bên ngoài, chẳng hạn như cách mọi người nói với một người đang đau buồn rằng hãy tìm kiếm sự tích cực trong nỗi mất mát của họ.
Vì thế, bài viết này sẽ thảo luận về mặt tối của xu hướng “Positive vibes” (hay còn gọi là sự tích cực độc hại), việc lạm dụng nó gây ra tác hại như thế nào và dẫn đến những đau khổ ra sao cho mỗi cá nhân.
Toxic Positivity là gì?
Toxic Positivity được định nghĩa là sự tập trung theo đuổi những suy nghĩ lạc quan, vui vẻ và cố gắng né tránh những cảm xúc đau buồn trong mọi tình huống. Nó là một quá trình dẫn đến việc phủ nhận, giảm thiểu và vô hiệu hóa trải nghiệm cảm xúc đích thực của con người.
Cũng giống như bất cứ thứ gì bị lạm dụng quá mức, khi tính tích cực được sử dụng để che đậy hoặc làm im lặng trải nghiệm thực tế của con người, nó sẽ trở nên độc hại. Khi chúng ta không cho phép sự tồn tại của một số cảm nhận, ta rơi vào trạng thái phủ nhận và kìm nén những cảm xúc.

Sự thật là, con người luôn có sai sót. Chúng ta ghen tị, tức giận, phẫn uất và tham lam. Nếu giả vờ rằng chúng ta là người luôn mang trong mình những cảm xúc tính cực, ta đã phủ nhận giá trị của những cảm xúc và trải nghiệm chân chính của con người.
Biểu hiện của Toxic Positivity
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến của tính tích cực độc hại để giúp bạn nhận biết nó xuất hiện như thế nào trong cuộc sống hàng ngày:
- Che giấu cảm xúc thật của bạn
- Cố gắng “sống chung với nó” bằng cách nhồi nhét những cảm xúc tích cực/ loại bỏ cảm xúc tiêu cực
- Cảm thấy tội lỗi khi cảm thấy những gì bạn cảm thấy
- Phủ nhận trải nghiệm cảm xúc của người khác bằng những câu an ủi, trích dẫn tích cực
- Cố gắng an ủi ai đó rằng “Nó còn có thể tồi tệ hơn” thay vì thừa nhận trải nghiệm cảm xúc của họ
- Xấu hổ hoặc trừng phạt người khác vì bày tỏ sự thất vọng hoặc bất cứ điều gì khác ngoài sự tích cực
- Loại bỏ những thứ đang làm phiền bạn với câu “Mọi thứ vốn đã như vậy rồi”
Toxic Positivity tác động tiêu cực đến tâm lý như thế nào?
“Tôi muốn mình thà một cá thể trọn vẹn hơn là chỉ có những mặt tốt đơn thuần.”
Carl Jung
Sự hổ thẹn
Ta thường áp đặt cái nhìn tích cực vào nỗi đau của người khác bằng cách động viên/ khuyến khích một người giữ im lặng về những khó khăn mà họ phải trải qua.
Hầu hết chúng ta không muốn bị cho là “kẻ xấu”, vì vậy khi lựa chọn giữa A) hãy dũng cảm và trung thực hoặc B) giả vờ như mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, chúng ta rất dễ bị cám dỗ để lựa chọn phương án B.
Tác giả và nhà nghiên cứu Brené Brown đã viết trong một số cuốn sách, bài thuyết trình và cuộc phỏng vấn của mình rằng nguồn năng lượng của sự xấu hổ là sự im lặng, bí mật và phán xét. Nói cách khác, nơi có sự che giấu, bí mật và sự phủ nhận, sự xấu hổ thường nắm quyền kiểm soát tình huống.
Sự xấu hổ đang làm tê liệt tinh thần con người và là một trong những cảm giác khó chịu nhất mà chúng ta có thể cảm thấy. Thông thường, chúng ta thậm chí không biết rằng mình đang cảm thấy xấu hổ.
Dưới đây là một số gợi ý để nhận thấy sự hiện diện của nỗi xấu hổ, hãy tự hỏi bản thân, “Nếu họ biết __________ về tôi, họ sẽ nghĩ gì?” hoặc “Điều gì đó mà tôi không muốn cả thế giới biết về mình là _______________.”
Nếu bạn có thể điền vào chỗ trống đó bằng BẤT KỲ ĐIỀU GÌ, cho dù đó là một tình huống, một cảm giác hay một trải nghiệm thì rất có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ khi rơi vào tình huống đó.
Đè nén cảm xúc
Một số nghiên cứu tâm lý cho chúng ta thấy rằng việc che giấu hoặc phủ nhận cảm xúc sẽ dẫn đến căng thẳng hơn cho cơ thể và / hoặc khó tránh khỏi những suy nghĩ và cảm xúc đau khổ.
Ví dụ, trong một nghiên cứu, những người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm và chiếu phim về quy trình y tế trong khi đo phản ứng căng thẳng của họ (ví dụ: nhịp tim, giãn đồng tử, tiết mồ hôi).
Một nhóm được yêu cầu xem video trong khi để cảm xúc của họ được thể hiện và bộc lộ ra ngoài. Trong khi đó, nhóm đối tượng thứ hai được yêu cầu xem phim và hành động như thể không có gì làm phiền họ.
Và kết quả là những người tham gia kìm nén cảm xúc của họ (hành động như thể không có gì làm phiền họ) có kích thích sinh lý nhiều hơn đáng kể (Gross và Levenson, 1997). Những người kìm nén cảm xúc có thể tỏ ra điềm tĩnh và điềm tĩnh nhưng thực ra bên trong căng thẳng đang bùng phát!
Những nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng việc thể hiện nhiều loại cảm xúc (ngay cả những cảm xúc “không tích cực”), có những từ để bày tỏ cảm giác và thể hiện biểu cảm ở nét mặt giúp chúng ta điều hoà những phản xạ với căng thẳng.

Khi không muốn thể hiện một phần của bản thân, chúng ta sẽ tạo ra một bộ mặt giả tạo hoặc nhân cách khác cho thế giới. Khuôn mặt đó đôi khi có vẻ vui vẻ, với một nụ cười hạnh phúc, nói rằng, “Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó.” Khi chúng ta lẩn trốn, đồng nghĩa với việc chúng ta phủ nhận sự thật.
Điều quan trọng là phải thừa nhận về cảm xúc thực của chúng ta bằng cách nói thành lời và thể hiện ra ngoài cơ thể. Đây là cách giúp chúng ta tỉnh táo, khỏe mạnh và giảm bớt căng thẳng do sự đè nén cảm xúc gây ra.
Một khi chúng ta tôn trọng cảm xúc của mình, chúng ta chấp nhận bản thân một cách toàn diện, cả mặt tốt, mặt xấu và những mặt tồi tệ. Việc chấp nhận bản thân, hiểu rằng chúng ta là ai là con đường dẫn đến một đời sống cảm xúc toàn vẹn và đủ đầy.
Sự cô lập và các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ
Khi phủ nhận sự thật của mình, chúng ta bắt đầu sống bất cần với bản thân và với thế giới. Chúng ta mất kết nối với chính mình, khiến người khác cảm thấy khó kết nối và quan tâm đến chúng ta. Nhìn bên ngoài chúng ta có thể mạnh mẽ, nhưng tận sâu bên trong, chúng ta cũng chỉ là những chú gấu bông nhỏ bé đang khao khát được vỗ về.
Bạn đã bao giờ được bao quanh bởi những người nhẹ nhàng, ngọt ngào, “chỉ nghĩ về những điều hạnh phúc” chưa? Bạn có cảm thấy thoải mái khi trải lòng về những cảm xúc sâu thẳm mà bạn đang cảm nhận?
Dù họ có mang trong mình những mong muốn tốt đẹp nhất trên thế giới này, nhưng thông điệp mà họ đang gửi đến chỉ đơn thuần là, “chỉ những cảm xúc tốt đẹp mới được phép hiện diện ở trong tôi.” Vì vậy, thật khó để thể hiện bất cứ điều gì ngoài “positive vibes” xung quanh họ. Do đó, bạn cũng sẽ phải tuân thủ các quy tắc ngầm “Tôi chỉ có thể là một loại người nhất định khi ở bên bạn, tôi không thể tự do là chính mình”.
Mối quan hệ với bản thân thường được phản ánh trong mối quan hệ mà bạn có với những người khác. Nếu bạn không thể thành thật về cảm xúc của chính mình, làm thế nào bạn có thể dành không gian cho người khác bày tỏ cảm xúc thực sự khi có mặt bạn? Nếu ta tạo ra một thế giới cảm xúc giả tạo, chúng ta thu hút nhiều sự giả tạo hơn, dẫn đến những sự thân thiết giả tạo và tình bạn hời hợt.
Kết luận
Trở thành một con người khỏe mạnh bao gồm sự tự ý thức về bản thân và cách chúng ta thể hiện với thế giới. Nếu bạn nhận ra mình là người truyền đi năng lượng “Toxic Positivity”, đã đến lúc bạn nên từ bỏ nó. Bởi bạn đang làm tổn thương chính mình và những người bạn quan tâm nhất bằng cách sống với lối suy nghĩ đơn sắc này.
Thay vì thực hành sự tích cực độc hại, hãy hướng tới sự cân bằng và chấp nhận cả những cảm xúc tốt và xấu hơn là lối suy nghĩ tốt đẹp hoặc không có gì.
Bởi suy cho cùng, chúng ta chỉ có một cơ hội để sống một cuộc đời tươi đẹp, đau khổ, không hoàn hảo… Hãy nắm lấy cơ hội này và sống một cuộc đời toàn vẹn và sung túc.
Tham khảo và lược dịch: Toxic Positivity: The Dark Side of Positive Vibes