Thuật ngữ “thao túng tâm lý” đang xuất hiện càng ngày càng nhiều trong các cuộc trò chuyện. Cơ bản, thao túng tâm lý khiến cho một người cảm thấy nghi ngờ về hiện thực bản thân. Thuật ngữ này viral sau vài đêm, người ta nói về nó trên khắp mạng xã hội. Thực tế, thao túng tâm lý là một dạng lạm dụng tâm lý nghiêm trọng và có chủ đích.
Vậy, thao túng tâm lý là gì?
Thao túng tâm lý là một thủ thuật thao túng được sử dụng nhằm điều khiển người khác. Kẻ thao túng tách nạn nhân ra khỏi những người đáng tin khác, bao gồm bạn bè và người thân. Đây là một chiến thuật tương tự với các dạng lạm dụng tâm lý khác. Mục đích của việc này là tăng và giữ khả năng kiểm soát và quyền lực đối với nạn nhân.
Vỏ bọc tinh vi của kẻ thao túng:
Cũng như những dạng lạm dụng khác, kẻ thao túng mang vỏ bọc ổn định, tự tin, đồng cảm và chân thành. Từ đó khiến cho việc thao túng trở nên nguy hiểm và khó nhận biết. Khi bắt đầu mối quan hệ, họ cuốn bạn đi bằng sự hào nhoáng, quyến rũ, tình yêu và sự chân thành. Cuối cùng, họ sẽ khiến bạn quay lưng lại với những người bạn đã từng tin tưởng và bắt buộc phải phụ thuộc vào kẻ thao túng với sự dễ chịu và tin tưởng.
Kẻ thao túng sẽ làm bạn thất vọng nhiều lần liên tiếp. Bạn bắt đầu không tin tưởng vào trải nghiệm của chính bản thân, cứ như chưa từng xảy ra. Khi bạn bắt đầu nghi ngờ kẻ thao túng hoặc mối quan hệ, họ sẽ bắt đầu “vờn” bạn. Chúng kéo bạn lại bằng những lời hứa, quyến rũ bạn và khiến bạn tự nghi ngờ bản thân. Bạn bắt đầu mất khả năng ghi nhớ đúng và tự vấn lại cảm giác thực tế của mình. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân trải qua những chấn thương tâm lý, không thể tin tưởng vào bản thân và chỉ có thể tin tưởng kẻ thao túng.
Khi bạn bị thao túng, sự tự tin của bạn bị giảm đi. Bạn liên tục đặt câu hỏi về thực tại, sự thật và kể cả bản thân. Bạn không thể tin tưởng vào trực giác bản thân và dễ bị tổn thương bởi kẻ thao túng.
Lầm tưởng về thao túng tâm lý:
Thao túng tâm lý không phải là một hành vi vô tình hay là kết quả của giao tiếp kém. Thao túng tâm lý càng không phải vì một ai đó đang trong một tâm trạng xấu hoặc rối rắm. Nhiều người bảo họ bị thao túng tâm lý trong một cuộc cãi vã bởi đối phương kiên quyết mình đúng. Tuy nhiên, việc thật sự nghĩ mình đúng và cố gắng thuyết phục người khác không đồng nghĩa với việc thao túng tâm lý.
Nhận biết bản thân bị thao túng tâm lý:
Nếu bạn không chắc chắn liệu mình có là nạn nhân của thao túng tâm lý, tự hỏi bản thân những điều sau đây:
- Mình có khả năng bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc rõ ràng hay không?
- Mình có thường phụ thuộc vào người khác để xác nhận thực tế hay không?
- Mình có tin tưởng vào cảm giác thực tại của mình hay không?
- Mình có tin tưởng vào bản thân được hay không?
- Mình có những người bạn và những thành viên gia đình mà mình có thể nói chuyện và tin tưởng hay không?
- Người mà mình nghĩ đang thao túng mình, có hay xác nhận những cảm xúc và trải nghiệm của mình hay không?
Nếu người trong câu hỏi không cho phép bạn thể hiện bản thân, cô lập bạn với những người đáng tin tưởng, không cho rằng những cảm xúc của trải nghiệm của bạn là đúng, có thể bạn đang là nạn nhân của việc thao túng tâm lý.
Cách “tránh đạn” thao túng tâm lý:
Những người đang đấu tranh với lo âu, trầm cảm, tự ti hoặc tiền sử chấn thương tâm lý thường có nguy cơ bị thao túng tâm lý nhiều hơn. Những người này gặp khó khăn trong việc tin tưởng bản thân hoặc luôn bị người khác nói rằng họ không thể tin tưởng vào bản thân. Mặc dù những người kể trên nằm trong nhóm nguy cơ cao, thao túng tâm lý có thể xảy đến với bất kỳ ai. Sau đây là một số cách để bảo vệ bản thân bạn trước việc này:
- Đừng bao giờ cô lập bản thân khỏi những người bạn tin tưởng. Duy trì một mạng lưới hỗ trợ tích cực với bạn bè và người thân. Ngay khi bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân, tìm kiếm những người đáng tin tưởng như một chiếc bè cứu sinh. Điều này phá vỡ vòng lặp ỷ lại kẻ thao túng và bạn sẽ có thể hỏi ngược lại những gì họ tiêm nhiễm vào đầu bạn. Nếu bạn là nạn nhân của việc thao túng tâm lý, bạn không cần phải đấu tranh khi chỉ dựa dẫm vào kẻ thao túng hoặc tự bản thân, những người xung quanh có thể giúp bạn.
- Vận dụng chính khả năng xử lý vấn đề của bản thân. Bạn sẽ giải quyết các vấn đề khác bằng cách nào? Áp dụng với vấn đề này tương tự. Lùi lại một bước để nhìn nhận vấn đề rõ hơn, chia vấn đề ra thành các bước nhỏ hơn để bạn có thể từ từ giải quyết.
- Tập trung vào những những cảm xúc của chính bạn. Tập trung vào những suy nghĩ và cảm giác của bản thân, không phải những gì kẻ thao túng bảo bạn. Đâu mới là trải nghiệm của chính bạn? Đừng chạy trốn khỏi cảm xúc của bản thân, hãy để chúng chỉ dẫn cho bạn về những điều đang xảy ra. Cảm xúc chính là một phần của thực tại, hãy để chúng nói cho bạn nghe.
- Đừng bao giờ gạt bỏ đi trực giác của bản thân. Nếu bạn có một cảm giác bất kỳ về một điều gì, hãy lắng nghe. Có gì đó bất thường? Hay một giọng nói trong đầu nhắc nhở bạn về một điều sai trái? Hãy chú ý và để nó dẫn lối bạn.
- Hành vi và quyết định của bạn phải đi cùng với giá trị mà bạn theo đuổi. Dành một ít thời gian để suy ngẫm giá trị này. Đừng để kẻ thao túng quyết định giá trị của bạn. Kẻ thao túng sẽ muốn gạt bỏ đi giá trị của bạn để đạt được những thứ chúng muốn và duy trì sự quyết định đối với bạn.
- Liên hệ đúng người. Đâu là những người thật sự đáng tin tưởng trong cuộc đời bạn. Những người đáng tin là những người khuyến khích bạn tin vào trực giác của chính bản thân. Họ sẽ muốn bạn tin tưởng vào bản thân và bản năng của chính mình. Khi bạn bắt đầu nghi ngờ chính mình, họ sẽ là người giúp bạn lấy lại khả năng tự chủ.
- Tìm đến một nhà tham vấn tâm lý chuyên nghiệp. Các nhà trị liệu không thiên vị và không phán xét. Mục đích của họ là giúp bạn có khả năng tự chủ. Họ sẽ giúp bạn củng cố sự tự tin, tiếp cận thực tại và tìm ra mục tiêu của mình. Nếu bạn đang bị thao túng, nhà tham vấn tâm lý sẽ giúp bạn nhận ra và củng cố để trở nên độc lập.
Nguồn tham khảo và lược dịch: Why is Gaslighting So Dangerous?