Có vẻ như đối với nhiều người ngày nay, việc kết nối với những người khác trở nên rất khó khăn. Thật không may, những người từng trải qua chấn thương thời thơ ấu thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tạo ra các kết nối có ý nghĩa với mọi người xung quanh.
Chấn thương thời thơ ấu có thể để lại hậu quả to lớn trong suốt phần đời còn lại của nạn nhân. Những chấn thương này có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian trải qua, sự hỗ trợ của cha mẹ cũng như khả năng phục hồi bẩm sinh của đứa trẻ đã trải qua chúng.
Trong những năm làm bác sĩ trị liệu tâm lý, tôi đã lưu ý rằng những người bị chấn thương tâm lý đáng kể trong thời thơ ấu có xu hướng đấu tranh nhiều hơn với hầu hết các mối quan hệ của họ. Những cá nhân này gặp khó khăn khi gần gũi với người khác và khi họ kết nối với những người khác, các mối quan hệ mà họ có được không phải lúc nào cũng mang tính xây dựng.
Chấn thương trong thời thơ ấu có thể có nhiều dạng khác nhau. Nó có thể là hình thức của sự bỏ rơi bởi cha mẹ, xâm phạm ranh giới cá nhân hoặc lợi dụng; liên tục chỉ trích hoặc phá hoại; (các) chứng nghiện của cha mẹ hoặc bị giam giữ; tấn công thân thể hoặc lạm dụng tình dục; trải nghiệm về sự mất mát hoặc sợ hãi sâu sắc; hoặc sống trong môi trường không ổn định hoặc nguy hiểm.
Bất kể chấn thương xảy ra dưới hình thức nào, việc thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ kết hợp với mức độ nhạy cảm cao hơn của cá nhân đối với các sự kiện chấn thương có thể dẫn đến việc hình thành các vết thương tình cảm cũng như các chứng rối loạn trong việc gắn kết với người khác.
Ở những người trưởng thành bình thường, việc kết nối với những người khác tương đối dễ dàng. Chúng ta gặp gỡ mọi người, chúng ta thích nhau, và chúng ta hình thành mối quan hệ xã hội bền chặt. Ở những người từng trải qua chấn thương thời thơ ấu, tất cả các giai đoạn này có thể bị phá hoại nghiêm trọng.
Người bị tổn thương về mặt cảm xúc khó tin tưởng người khác hơn sau những trải nghiệm đau đớn mà họ đã trải qua. Họ có thể có niềm tin sâu sắc rằng họ không đáng được yêu hoặc họ không có quyền có một mối quan hệ yêu đương. Họ có thể sợ hãi khi bị tổn thương, bị bóc lột, bị bỏ rơi hoặc bị từ chối. Tất cả những điều này có thể khiến họ tự cô lập bản thân và tránh gần gũi với người khác.
Những người có tiền sử chấn thương thời thơ ấu có thể tin rằng những người khác sẽ chỉ muốn ở bên họ nếu họ là người chuyên làm hài lòng người khác hoặc chăm sóc mọi người. Họ tham gia vào các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với đồng nghiệp và khi những mối quan hệ này tan vỡ, họ sợ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Một số người trong số những người này tin rằng họ sẽ bị từ chối đến nỗi họ vô tình cư xử theo những cách khiến người khác phải làm điều này. (Đây là một ví dụ về cách các cơ chế phòng vệ tâm lý của chúng ta phản tác dụng, cho chúng ta biết chính xác những gì chúng ta đang cố gắng tránh.)
Những người bị tổn thương thời thơ ấu có thể có nhu cầu sâu sắc (và xứng đáng) về tình yêu và sự chăm sóc mà không được đáp ứng khi họ lớn lên. Một số người tin rằng họ có thể được đáp ứng những nhu cầu này trong các mối quan hệ trưởng thành của họ. Trong trường hợp tốt nhất, điều này có thể dẫn đến các mối quan hệ không lành lạnh, và trong trường hợp tệ nhất là những mối quan hệ bị lạm dụng khi mà nhu cầu của họ sẽ bị một kẻ thủ đoạn chuyên đi lợi dụng yếu tố tâm lý này để kiểm soát nạn nhân.
Những người có vết thương lòng từ thời thơ ấu đầy đau đớn thường cảm thấy không thoải mái khi ở bên người khác và không biết phải cư xử như thế nào. Họ thường cảm thấy khó xử và lo lắng trong các tình huống xã hội, dẫn đến các mối quan hệ tương tác khó chịu, điều này chỉ củng cố thêm cảm giác xa lánh của họ.
Những người này gặp khó khăn trong việc hình thành mối quan hệ thân thiết, bởi vì họ không mong đợi mọi người ở bên cạnh hoặc vì sau tất cả những gì họ đã trải qua, rất khó để họ mở lòng với người khác. Đôi khi, sự xung đột sâu sắc của họ về sự gần gũi khiến họ cư xử theo những cách gây nhầm lẫn hoặc gây khó chịu cho người khác.
Một số cá nhân có tiền sử chấn thương thời thơ ấu có xu hướng sẽ chọn bạn bè hoặc đối tác luôn gây ra cảm giác tổn thương cho đối phương. Điều này xảy ra là bởi vì tất cả mọi người đều thích những điều thân thuộc, và những người gây tổn thương luôn làm cho nạn nhân nhớ về những người đã từng gây tổn thương cho họ trong quá khứ.
Đáng buồn thay, có mối quan hệ với những người chuyên gây ra cảm giác tổn thương có thể khiến những người từng bị tổn thương ngày càng sợ hãi trong việc gắn kết với người khác , dẫn đến việc xa lánh xã hội nhiều hơn.
Đối với những cá nhân từng bị tổn thương thời thơ ấu, sự phổ biến của mạng xã hội khiến việc tránh những thách thức trong việc kết nối trở nên dễ dàng hơn nhiều. Những cá nhân này có thể thực hiện phần lớn các “mối quan hệ” của họ trực tuyến, để giảm thiểu rủi ro bị tổn thương.
Tất nhiên, chúng ta càng có ít mối quan hệ cá nhân và càng có nhiều mối quan hệ trực tuyến, chúng ta càng cảm thấy cô đơn. Không có gì thay thế cho sự tiếp xúc trực tiếp về mặt tình cảm mà chúng ta nhận được và các kỹ năng xã hội mà chúng ta có thể phát triển. Quan trọng hơn cả, nếu chúng ta thực sự muốn có sự kết nối ý nghĩa với những người khác, chúng ta phải trực tiếp làm điều đó.
Chấn thương thời thơ ấu có thể để lại hậu quả lâu dài và cuộc đấu tranh để kết nối với những người khác là một trong những hậu quả to lớn nhất mà chúng ta cần phải giải quyết. Nếu bạn luôn cảm thấy cô độc hoặc gặp khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã từng bị chấn thương thời thơ ấu.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kết nối với những người khác, giải pháp không nhất thiết phải thông qua quá trình đào tạo kỹ năng xã hội. Bạn có thể cần phải tìm ra giải pháp sâu hơn một chút bằng cách làm việc với một nhà trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn để chữa lành vết thương thời thơ ấu của bạn.
Nếu chấn thương thời thơ ấu là điều bạn đã từng trải qua thì sự giúp đỡ từ nhà trị liệu tâm lý có thể giúp bạn kết nối với những người khác dễ dàng hơn và bắt đầu tạo ra những mối quan hệ lâu dài và có ý nghĩa.
Nguồn tham khảo và lược dịch: The Endlessly Lonely Could Be Living With Unresolved Childhood Trauma