Trong phần lớn lịch sử phát triển loài người, bộ não của chúng ta không sinh sống trong môi trường đô thị. Nhưng trong một vài thập kỷ, gần 70% dân số thế giới đã chuyển đến các khu dân cư đô thị đông đúc. Bất chấp sự tiện nghi gắn liền với các thành phố hiện đại, đô thị hóa tạo ra một thách thức lớn về mặt sức khỏe. Các thành phố, với nhịp sống ngày càng tăng nhanh, luôn dễ dàng tạo ra cảm giác căng thẳng. Kết luận này có thể được quan sát thấy trong não bộ và hành vi của những người lớn lên ở các thành phố.
Xét về mặt tích cực, cư dân thành phố trung bình giàu có hơn và được chăm sóc sức, dinh dưỡng và vệ sinh tốt hơn so với cư dân nông thôn. Xét về mặt tiêu cực, họ có nguy cơ mắc các căn bệnh mãn tính cao hơn, môi trường xã hội căng thẳng và khắt khe hơn cũng như mức độ bất bình đẳng cao hơn. Trên thực tế, cư dân thành phố có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn 21% và khả năng mắc chứng rối loạn tâm trạng tăng 39% so với dân cư vùng nông thôn.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã nói rằng có mối quan hệ nhân quả giữa cuộc sống thành thị và mức độ nhạy cảm với căng thẳng. Chụp cộng hưởng MRI cho thấy việc tiếp xúc nhiều hơn với môi trường đô thị có thể làm tăng mức độ hoạt động ở hạch hạnh nhân, một cấu trúc não liên quan đến các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi và giải phóng các hormone liên quan đến căng thẳng. Theo nghiên cứu, hạch hạnh nhân “có liên quan mạnh mẽ đến rối loạn lo âu, trầm cảm và các hành vi khác đang gia tăng ở các thành phố, chẳng hạn như bạo lực.”
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra những người sống ở các khu vực thành phố trong 15 năm đầu tiên có mức độ hoạt động gia tăng trong một khu vực trong bộ não giúp hỗ trợ kiểm soát hoạt động của hạch hạnh nhân. Vì thế, nếu bạn lớn lên ở thành phố, khả năng cao là bạn sẽ có mức độ nhạy cảm với căng thẳng lớn hơn nhiều so với những người sinh ra ở nông thôn nhưng chuyển đến thành phố để sinh sống.
Tác giả và giáo sư David Gessner nói rằng chúng ta đang dần biến thành loại động vật “phản ứng nhanh”. Giống như là chúng ta có một chiếc đồng hồ báo thức cứ 30 giây lại rung liên tục trong não, điều đó làm chúng ta mất đi khả năng tập trung trong thời gian dài. Cuộc sống trong đô thị liên tục yêu cầu chúng ta phải lọc một lượng lớn những thông tin luôn xuất hiện trước mắt, tránh những phiền nhiễu không đáng có và đưa ra quyết định nhanh chóng. Chúng ta đã không cho phép bộ não chúng ta một giây nào để nghỉ ngơi và phục hồi.
Làm thế nào để chúng ta có thể sống chậm lại? Thiên nhiên dường như là câu trả lời tốt nhất. Giả thuyết của nhà tâm lý học nhận thức David Strayer là “hòa mình vào thế giới tự nhiên cho phép vùng vỏ não trước trán, trung tâm chỉ huy của bộ não, giảm mức độ hoạt động và quan trọng nhất là nghỉ ngơi, giống như một khối cơ bắp được sử dụng quá mức cuối cùng cũng có thời gian để hồi phục lại”
Nghiên cứu cho thấy ngay cả những tương tác ngắn ngủi với thiên nhiên cũng có thể làm dịu bộ não của chúng ta. Gregory Bratman của Stanford đã thiết kế một thử nghiệm trong đó những người tham gia đi bộ 50 phút có thể tự chọn hình thức đi bộ trong môi trường tự nhiên hoặc đi bộ trong môi trường đô thị. Những người đi bộ trong thế giới tự nhiên đã giảm mức độ lo lắng, suy nghĩ và những cảm xúc tiêu cực cũng như tăng hiệu suất trí nhớ. Nhóm nghiên cứu của Bratman cũng phát hiện ra rằng đi bộ trong môi trường tự nhiên có thể làm giảm quá trình tự trách bản thân, thói quen không lành mạnh nhưng cực kì quen thuộc của nhiều người khi suy đi nghĩ lại về nguyên nhân và hậu quả của những trải nghiệm tiêu cực mà họ có trước đây. Nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thần kinh trong một khu vực của bộ não có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần đã giảm ở những người tham gia đi bộ trong tự nhiên so với những người đi bộ trong môi trường đô thị.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã điều tra sự khác biệt trong hoạt động của não khi các tình nguyện viên chỉ nhìn vào khung cảnh thành thị so với tự nhiên. Đối với những người xem hình ảnh đô thị, quét MRI cho thấy lưu lượng máu đến vùng hạch hạnh nhân tăng lên. Ngược lại, những vùng não liên quan đến sự đồng cảm và lòng vị tha lại sáng lên đối với những người xem quang cảnh thiên nhiên.
Ở Nhật Bản, các nhà khoa học phát đã chỉ ra rằng những người dành nhiều thời gian trong thiên nhiên – shinrin-yoku hay “tắm rừng” – hít vào “vi khuẩn có lợi, tinh dầu có nguồn gốc thực vật và các ion mang điện tích âm”, những vật chất này sau đó sẽ tương tác với vi khuẩn đường ruột để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và cải thiện cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Dành thời gian trong thiên nhiên thường xuyên không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho sức khỏe tinh thần nhưng nó là một thành phần thiết yếu của sức khỏe và khả năng phục hồi sức khỏe tâm lý. Thiên nhiên giúp chúng ta đối mặt và phục hồi sau những thử thách khó khăn trong cuộc sống. Ngay cả những cư dân thành phố cũng có thể tìm thấy một khung cảnh tự nhiên gần đó- một khu vườn hoặc công viên nhiều cây xanh – để cho bộ não đang quá tải của họ cuối cùng cũng được nghỉ ngơi và phục hồi.
Vào mỗi mùa xuân, Quỹ David Suzuki kêu gọi người dân Canada dành nhiều thời gian bên ngoài hơn nữa để chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Thử thách Thiên nhiên 30 × 30 yêu cầu mọi người cam kết dành ít nhất 30 phút mỗi ngày hòa mình vào thiên nhiên trong 30 ngày trong suốt tháng Năm. Khi bạn thực hiện cam kết tại davidsuzuki.org, bạn sẽ nhận được nghiên cứu mới nhất về lợi ích sức khỏe của việc dành thời gian ở ngoài trời cùng với các mẹo thiết thực về cách bổ sung thêm các hoạt động tương tác với thế giới tự nhiên vào thói quen hàng ngày của bạn.
Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm lý của bạn. Đã đến lúc ra ngoài và tận hưởng thế giới tự nhiên rồi đấy!
Nguồn tham khảo và lược dịch: Nature Calms The Brain And Heals The Body