Giáo sư Carol Ryff đã nghiên cứu về hạnh phúc trước khi khái niệm này bắt đầu trở nên phổ biến trong lĩnh vực tâm lý học. Hai mươi năm trước khi tất cả chúng ta bắt đầu nói về hạnh phúc, Ryff đã âm thầm nghiên cứu vấn đề này tại Đại học Wisconsin-Madison.
Cô đã tạo ra một trong những mô hình có hệ thống đầu tiên về sức khỏe tâm lý và mô hình của cô vẫn là một trong những mô hình được kiểm chứng nghiêm ngặt nhất về mặt khoa học thực nghiệm cho đến ngày nay.
Carol Ryff phát triển mô hình của mình dựa trên hai trụ cột sau đây: Thứ nhất, hạnh phúc không nên bị gói gọn trong các mô tả thuần về sinh học hoặc y tế – thay vào đó nó là một câu hỏi triết học về ý nghĩa của một cuộc sống tốt đẹp. Thứ hai, các lý thuyết tâm lý hiện tại về hạnh phúc tại thời điểm đó thiếu tính chặt chẽ về mặt thực nghiệm – chúng chưa được và không thể kiểm tra thực nghiệm được trong đời sống.
Để xây dựng một lý thuyết kết hợp các câu hỏi triết học với yếu tố khoa học thực nghiệm, Ryff đã khai thác ý tưởng từ một loạt các lý thuyết và nghiên cứu liên quan đến sức khỏe tâm lý, từ Aristotle đến John Stuart Mill, từ Abraham Maslow đến Carl Jung. Cô đã xác định được nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc đến các lý thuyết đa dạng này, và cũng chính những điểm hội tụ này đã tạo cho cô một nền tảng vững chắc để xây dựng nên một mô hình mới về sức khỏe tâm lý của riêng mình.
Mô hình về tâm lý hạnh phúc của Carol Ryff khác với các mô hình trong quá khứ ở một điểm quan trọng: Hạnh phúc là đa chiều và không chỉ đơn thuần là về niềm vui hay cảm xúc tích cực. Một cuộc sống tốt đẹp là cân bằng và toàn diện, với sự xuất hiện của nhiều khía cạnh khác nhau của hạnh phúc, thay vì chỉ tập trung vào một số yếu tố riêng lẻ hoặc tách biệt. Ryff đã mượn ý tưởng của nguyên tắc này trong quyển sách về Đạo Đức của Aristotle, khi nói rằng mục tiêu của cuộc sống không phải là để cảm thấy vui vẻ thoải mái mà thay vào đó là sống có đạo đức.
Sáu khía cạnh hạnh phúc của Carol Ryff bao gồm:
1) Chấp nhận bản thân
Mức độ chấp nhận bản thân cao: Bạn có một thái độ tích cực đối với bản thân; thừa nhận và chấp nhận nhiều khía cạnh của bản thân bao gồm cả phẩm chất tốt và xấu; và cảm thấy tích cực về cuộc sống trong quá khứ của bạn.
Mức độ chấp nhận bản thân thấp: Bạn cảm thấy không hài lòng với bản thân; thất vọng với những gì đã xảy ra trong quá khứ của bạn; đang gặp rắc rối về những phẩm chất cá nhân nhất định; và mong muốn trở nên khác biệt so với những gì bạn đang có.
2) Phát triển bản thân
Mức độ phát triển bản thân cao: Bạn cảm thấy tiến bộ theo thời gian; thấy bản thân ngày càng phát triển và mở rộng; cởi mở với những trải nghiệm mới; có nhận thức về tiềm năng của bạn; thấy được sự cải thiện trong bản thân và hành vi theo thời gian; đang thay đổi theo những cách phản ánh sự hiểu biết về bản thân và trở nên hiệu quả hơn.
Mức độ phát triển bản thân thấp: Bạn có cảm giác trì trệ; không cảm nhận được sự phát triển cá nhân qua thời gian; cảm thấy buồn chán và không có hứng thú với cuộc sống; và cảm thấy không thể phát triển thái độ hoặc hành vi mới.
3) Mục đích trong cuộc sống
Mức độ cao: Bạn có mục tiêu trong cuộc sống; cảm nhận được ý nghĩa đối với cuộc sống hiện tại và cả quá khứ của bạn; nắm giữ những niềm tin quan trọng để tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa; và có mục tiêu sống cụ thể.
Mức độ thấp: Bạn thiếu mục đích trong cuộc sống; có ít mục tiêu hoặc kế hoạch phát triển, thiếu sự định hướng; không nhìn thấy được ý nghĩa cuộc sống về những việc đã xảy ra trong quá khứ của bạn; và không có hy vọng hay niềm tin mang lại ý nghĩa trong cuộc sống.
4) Mối quan hệ tích cực với những người khác
Nhiều mối quan hệ tích cực: Bạn có những mối quan hệ ấm áp, thỏa mãn, tin cậy với những người khác; quan tâm đến hạnh phúc của người khác; có khả năng đồng cảm mạnh mẽ, nhiều tình cảm và sự thân mật; và hiểu về mối quan hệ cho và nhận của con người.
Ít mối quan hệ tích cực: Bạn có ít mối quan hệ thân thiết, tin cậy với người khác; cảm thấy khó khăn để cởi mở và quan tâm đến người khác; bị cô lập và thất vọng trong các mối quan hệ cá nhân; và không sẵn sàng thỏa hiệp để duy trì mối quan hệ quan trọng với người khác.
5) Làm chủ môi trường
Khả năng làm chủ môi trường cao: Bạn có ý thức làm chủ và có năng lực trong việc quản lý môi trường; kiểm soát các khía cạnh phức tạp của các hoạt động bên ngoài; tận dụng hiệu quả các cơ hội xung quanh; có sự lựa chọn và tạo dựng các bối cảnh phù hợp với nhu cầu và giá trị bản th
Khả năng làm chủ môi trường thấp: Bạn gặp khó khăn trong việc quản lý công việc hàng ngày; cảm thấy không thể thay đổi hoặc cải thiện bối cảnh xung quanh; không nhận thức được các cơ hội xung quanh; và thiếu cảm giác kiểm soát về hoàn cảnh môi trường.
6) Quyền tự chủ
Tính tự chủ cao: Bạn là người độc lập và có thể tự đưa ra quyết định; có khả năng chống lại các áp lực xã hội để suy nghĩ và hành động theo những cách nhất định; điều chỉnh hành vi từ các giá trị bên trong; và đánh giá bản thân bằng các tiêu chuẩn cá nhân.
Tính tự chủ thấp: Bạn lo lắng về những kỳ vọng và đánh giá của người khác; dựa vào đánh giá của người khác để đưa ra quyết định quan trọng; và thay đổi bản thân để phù hợp với các áp lực và sự kỳ vọng từ xã hội.
Kết luận
Mô hình tâm lý hạnh phúc của Carol Ryff cung cấp một nền tảng lý thuyết mạnh mẽ để thông qua đó ta có thể phân tích và thiết kế cuộc sống của bản thân và đưa ra những ý tưởng về cách sống hạnh phúc hơn. Vậy tại sao các phương tiện truyền thông đại chúng lại không hề nói tí gì về mô hình này? Có lẽ đã đến lúc Ryff thuê những nhân viên marketing giỏi hơn. Tất cả chúng ta đều sẽ được lợi từ việc này.
Nguồn tham khảo và lược dịch: Scientists Define the 6 Criteria of Well-Being