Ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc cảm thấy buồn, cũng giống như mọi người đều có thể cảm thấy vui vẻ, tức giận, tự hào và rất nhiều cảm xúc khác. Nói cách khác, mọi người đều có cảm xúc, và những cảm xúc đó luôn thay đổi.

Chúng ta thường có thói quen nâng niu những cảm xúc tích cực: hạnh phúc, vui vẻ, phấn chấn,…nhưng lại có xu hướng né tránh nỗi buồn. Nhưng chúng ta có nên loại bỏ nỗi buồn ra khỏi cuộc sống? 

Vượt qua nỗi buồn là một kỹ năng cần phải luyện tâm. Và bạn làm được!

Nghe thật lạ lùng và có thể bạn không tin, nhưng cảm xúc tiêu cực thậm chí có thể giúp ích cho bạn. Thế giới của chúng ta tập trung vào hạnh phúc và cho rằng sự bất hạnh như một cảm giác không cần thiết. Tuy nhiên nỗi buồn có thể khiến bạn sống chậm lại, và nó giúp bạn thực sự suy nghĩ về cuộc sống, cảm xúc của mình và những người xung quanh. Nó có thể giúp bạn theo dõi các mối quan hệ và ước mơ của mình. 

Nói cách khác, buồn không phải là cảm xúc xấu và cần phải loại bỏ. Đó là một cảm xúc quan trọng có thể giúp bạn thích nghi, chấp nhận, tập trung, kiên trì và phát triển.

Và có một tin tốt nữa dành cho bạn: bạn có thể vượt qua nỗi buồn và học cách quản lý sức khoẻ tinh thần.

Buồn là gì? 

Nỗi buồn được biểu hiện qua rất nhiều hình thái: đau đớn, đau khổ, tổn thương, buồn bã, mất tinh thần, đau khổ, bất hạnh và hơn thế nữa. Tất cả những cảm xúc này xảy ra để phản ứng với những tình huống tiêu cực, hoặc những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống.  

Buồn bã thường xuất hiện cùng lúc với các cảm giác khác, chẳng hạn như tức giận, căng thẳng, tội lỗi, đau buồn, lo lắng hoặc tuyệt vọng. Đôi khi, cảm giác kia có thể mạnh mẽ đến mức bạn không nhận ra mình đang buồn. 

Vậy nỗi buồn thường được thể hiện như thế nào? Buồn có thể tác động đến cả thể chất lẫn tinh thần của bạn. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy bị đau bụng hoặc đau đầu, hoặc bạn không thể ngủ được mỗi khi tâm trạng lao dốc.Nỗi buồn cũng có thể thay đổi cảm xúc của bạn. Có lẽ bạn đang mau nước mắt, gắt gỏng, buồn chán hoặc thất vọng, hoặc chỉ muốn trốn tránh người khác. 

Nhưng rồi bạn chợt nhận ra nỗi buồn cũng có lợi và hiểu rằng việc bạn cảm thấy buồn cũng không sao, vì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang cảm giác sự hạnh phúc bền vững.

Vì đâu ta buồn…?

Cuộc sống đầy rẫy những tình huống có thể khiến con người ta cảm thấy buồn, chẳng hạn như:

  • Gặp rắc rối với người nhà (ví dụ: bạo lực gia đình)
  • Gặp khó khăn ở trường học hoặc công việc, hoặc cảm thấy áp lực ở đó 
  • Mỗi khi bạn chuyển nhà hoặc nơi làm việc
  • Khi bạn mất một người thân yêu hoặc một người bạn
  • Bị ốm, hoặc chăm sóc người bị bệnh
  • Trải qua những thay đổi bên trong cơ thể của bạn (tuổi dậy thì, dùng thuốc chữa bệnh)
  • Sự thay đổi trong suy nghĩ của bạn cũng có thể làm bạn buồn
Nỗi buồn có thể mang rất nhiều hình thái. Bạn cần học cách nhận diện ra nó.

Khi đối mặt với những tình huống này, bạn có thể có những suy nghĩ tiêu cực về nỗi buồn của mình. Suy nghĩ quá nhiều về nó có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. 

Vì vậy, hãy thử một cách tiếp cận khác: cố gắng thừa nhận nỗi buồn của bạn và hoàn cảnh đã thúc đẩy nó. Từ đó, cho bản thân thời gian để giải quyết mọi vấn đề và cảm nhận mọi thứ đang tốt hơn từng ngày. Bạn cũng có thể tìm kiếm các nguồn lực khác để tự giúp chính mình vượt qua nỗi buồn, chẳng hạn như bạn bè và gia đình, một nhà tham vấn tâm lý hoặc bất kỳ ai bạn có thể an tâm chia sẻ.

Hãy yên tâm rằng: Nỗi buồn nào cũng sẽ nguôi ngoai!

Dù mọi thứ có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì bạn hãy cứ an tâm rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn. Sự hồi phục có thể diễn ra nhanh chóng hoặc trong một thời gian dài. Chỉ cần bạn nhớ rằng cảm xúc luôn có lúc “lên” và “xuống”, và bạn có thể chuyển từ cảm xúc tiêu cực sang cảm xúc tích cực hơn.

Đầu tiên, hãy thừa nhận rằng bạn đang cảm thấy buồn. Tiếp theo, bạn có thể thử một số mẹo sau:

  • Hãy tin rằng mọi thứ sẽ được cải thiện. Bạn cần tin tưởng rằng cảm giác buồn bã của bạn sẽ giảm bớt theo thời gian và nỗ lực.
  • Hãy trung thực với bản thân và những người xung quanh bạn. Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng.
  • Làm những điều bạn thích. Tìm cách làm cho cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn: nghe nhạc, đi dạo, đọc sách, gọi điện cho bạn bè.
  • Giải quyết từng vấn đề một. Không quan trọng nếu bạn bắt đầu với vấn đề lớn nhất hay nhỏ nhất, chỉ cần lập danh sách và bắt đầu. Nếu mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, hãy nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về các lựa chọn của mình hoặc cố gắng chấp nhận tình hình như hiện tại.
  • Hãy nghĩ xem liệu giấc ngủ và cách ăn uống của bạn có tốt cho bạn hay không.
  • Giúp đỡ người khác. Chỉ cần cải thiện cuộc sống của người khác, hoặc trở thành một phần của cộng đồng, có thể nâng cao tinh thần của bạn.
  • Tìm một cách sáng tạo để thể hiện nỗi buồn của bạn. Ví dụ, viết những suy nghĩ của bạn vào nhật ký, có thể giúp bạn tìm thấy một góc nhìn mới.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia (bác sĩ, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia y tế khác). Bạn có thể cần hỗ trợ, tư vấn hoặc giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa.
  • Nếu một loại thuốc được kê đơn khiến bạn cảm thấy chán nản, hãy cho bác sĩ biết. Và nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không theo chỉ định hoặc các loại thuốc bổ sung hoặc thay thế.
  • Giữ an toàn cho bản thân. Nếu bạn cảm thấy có nguy cơ làm tổn thương bản thân, hãy cho ai đó biết ngay lập tức. 

Nguồn tham khảo và lược dịch: It’s okay to feel sad

Leave a Reply

Your email address will not be published.