Trong một thế giới đầy biến động, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải các tình huống khó khăn mà dường như ta không thể lường trước. Chính vì vậy, bây giờ là lúc chúng ta nên học cách đối mặt với thách thức trong cuộc sống, chứ không phải “chạy trốn” khỏi những vấn đề của bản thân. Để tăng khả năng phục hồi trong tâm lý, mỗi chúng ta cần phải dành thời gian nhận diện cảm xúc của bản thân, xây dựng các chiến lược quản lý cảm xúc, kết nối với những người xung quanh và với chính mình. Dưới đây là một số chiến lược cơ bản giúp bạn quản lý cảm xúc và cải thiện khả năng phục hồi sức khoẻ tinh thần được Nhà tham vấn tâm lý Dan Bates đề xuất. Bạn hãy cùng tham khảo và thực hành với chúng mình nhé!
1. Kết nối với người thân, bạn bè
Thiết lập mối quan hệ tốt với các thành viên thân thiết trong gia đình, bạn bè hoặc những người xung quanh là rất quan trọng. Chấp nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người thân sẽ giúp bạn củng cố khả năng phục hồi rất hiệu quả. Một số người nhận thấy rằng việc tích cực sinh hoạt trong các nhóm, tổ chức có thể giúp một người đang gặp khó khăn tâm lý lấy lại hy vọng. Từ nền tảng này, người được giúp đỡ sẽ có thể giúp đỡ những người khác trong nhóm để gia tăng sức mạnh tinh thần của tập thể.

2. Tin rằng mọi người đều có khả năng vượt qua khủng hoảng
Có một thực tế mà bạn phải tin, đó là khi các sự kiện căng thẳng xảy ra, bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách bạn suy nghĩ và phản ứng với những sự kiện này. Điều này có nghĩa là về bản chất thì không có bất kỳ sự việc nào là hoàn toàn tốt hoặc xấu, sự khác biệt phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận về nó. Do đó, hãy luôn nhìn mọi việc theo nhiều góc độ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất để giải quyết vấn đề của bạn.
3. Cuộc sống luôn thay đổi, hãy chấp nhận điều đó
Trong một giai đoạn của cuộc sống, có thể các mục tiêu bạn nhắm tới lúc đầu không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như việc bạn nộp đơn vào một công ty với mục tiêu là có được thu nhập cao và được làm việc trong môi trường hoà hợp. Tuy nhiên, khi công ty gặp khó khăn và không thể trả bạn mức lương cao như trước đây. Và thực tế là bạn vẫn đang làm tốt công việc, đồng nghiệp quý mến bạn. Liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi này?
Học cách chấp nhận những hoàn cảnh không thể thay đổi có thể giúp bạn tập trung vào những hoàn cảnh mà bạn có thể thay đổi. Quay lại ví dụ trên, nếu nhìn về hướng tích cực thì bạn vẫn đang làm tốt công việc, có mối quan hệ tuyệt vời với đồng nghiệp và bạn sẵn sàng chấp nhận khó khăn ở hiện tại để tiếp tục phát triển công ty. Khi bạn tạo ra thay đổi tích cực, công ty vượt qua khó khăn và bạn được trả lương dựa trên kết quả bạn đã tạo ra. Đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.
4. Tập trung vào mục tiêu của bạn
Phát triển một số mục tiêu thực tế. Hãy nghĩ lớn, nhưng bắt đầu hoàn thành từng bước nhỏ. Đạt được các mục tiêu nhỏ thường xuyên sẽ giúp bạn tập trung và luôn tiến gần mục tiêu của mình hơn. Thay vì tập trung vào những nhiệm vụ dường như không thể đạt được, hãy tự hỏi bản thân, “Điều gì tôi biết tôi có thể hoàn thành ngày hôm nay giúp tôi đi đúng hướng mà tôi muốn đi?”. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu, các nhà tham vấn tâm lý sẽ giúp bạn tự vạch ra mục tiêu của mình.
5. Hành động dứt khoát, quyết liệt
Một khi bạn nhận diện được vấn đề rủi ro thì đó không còn là rủi ro nữa. Vì vậy, hãy liên tục tìm ra giải pháp và thực hiện nó một cách dứt khoát, thay vì trốn tránh đối mặt những vấn đề căng thẳng và ước gì chúng sẽ tự biến mất.
6. Luôn tò mò về bản thân
Mọi người thường có xu hướng tìm hiểu điều gì đó về bản thân. Và có thể thấy rằng chúng ta trưởng thành, thay đổi bản thân nhờ quá trình đấu tranh với mất mát, vượt qua những rào cản của bản thân. Nhiều người từng trải qua bi kịch và khó khăn đã nhận ra rằng, khi các mối quan hệ tốt hơn, họ cảm giác mạnh mẽ ý thức về giá trị bản thân, tâm linh phát triển hơn và nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống, ngay cả khi họ đang ở trong một tình huống khó khăn ở khía cạnh tinh thần.
7. Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực
Phát triển sự tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề và tin tưởng vào bản năng của bạn sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi. Để luyện tập thói quen này, bạn nên học cách phân tích mọi việc ở cả 2 hướng tích cực và tiêu cực, từ đó phát triển bản thân đến những hướng tích cực nhiều hơn.
8. Giữ mọi thứ cân bằng, phù hợp
“Điều gì quá cũng không tốt”, và câu này cũng đúng với cuộc sống của bạn. Ngay cả khi bạn đang phải đối mặt với những sự kiện rất đau đớn, hãy cố gắng xem xét mọi tình huống trong một bối cảnh rộng lớn hơn và kiên định. Tránh thổi phồng hoặc xem nhẹ bất kỳ sự kiện nào trong cuộc sống của bạn. Một lần nữa, hãy cố gắng cân bằng mọi thứ trong cuộc sống của bạn nếu bạn có thể.
9. Gieo hy vọng, ươm lạc quan
Một cái nhìn lạc quan có thể giúp bạn hy vọng rằng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong cuộc sống của bạn. Hãy thử hình dung những gì bạn muốn, thay vì lo lắng về những gì bạn sợ hãi.
10. Tự chăm sóc bản thân
Luôn chú ý đến nhu cầu và cảm xúc của chính bạn. Tham gia vào các hoạt động mà bạn yêu thích và cảm thấy thư giãn. Luyện tập thể dục đều đặn. Chăm sóc bản thân giúp tinh thần và thể chất của bạn luôn sẵn sàng để đối phó với những tình huống đòi hỏi khả năng phục hồi.
11. Và hơn thế nữa…
Có rất nhiều cách để tăng cường khả năng phục hồi, vì vậy bạn hãy luôn tò mò về nó. Ví dụ, một số người chọn cách viết về những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của họ khi gặp các chấn thương tâm lý hoặc các tình huống gây stress trong cuộc sống của họ. Thiền định và thực hành tâm linh cũng có thể giúp một số người xây dựng kết nối và khôi phục hy vọng trong một lối sống thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Trò chuyện với một nhà tham vấn tâm lý cũng là một cách tốt để tự giúp đỡ chính mình.
Vậy là bạn đã được biết về 11 cách tự cải thiện khả năng phục hồi tâm lý rồi. Điều cần làm ngay lúc này là hãy bắt đầu thực hành các phương pháp này để nâng cao sức khoẻ tinh thần của bạn càng sớm càng tốt nhé.
Hãy giúp chúng mình lan toả, chia sẻ những mẹo hay này cho mọi người nếu bạn thấy nó hữu ích nhé.